Đau lòng những cuộc chiến giành lại núm ruột
Những đứa trẻ, hậu ly hôn, luôn có những tổn thương. Dù được chăm sóc như thế nào, chúng cũng có mặc cảm, những nỗi đau từ chính cuộc hôn nhân không hạnh phúc của cha mẹ. Nhưng sẽ càng bất hạnh hơn, khi trẻ còn phải chứng kiến những cuộc chiến giành quyền nuôi con từ người lớn. Mà hậu quả là, cơ hội để được gặp mặt mẹ hay cha cũng trở nên xa vời.
Bài 1: Nước mắt người trong cuộc
Phiên tòa phúc thẩm giành quyền nuôi con ngày 31/3/2021 tại Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Bạc Liêu giữa nguyên đơn là chị N.M.N (ngụ tỉnh An Giang), bị đơn là anh H.T.X (huyện Đông Hải). Đứa con gái sinh năm 2018, bé H.N.T, hiện do cha bé và ông bà nội nuôi giữ. Ngay khi kết thúc phiên tòa, quyền nuôi con được giao cho chị N., ông nội bé đã lớn tiếng nói rằng: “Thách đứa nào ngon xuống nhà tui bắt con cháu tui”. Đằng sau những bản án giành quyền nuôi con như thế này, là cả một hành trình đầy nước mắt của những người trong cuộc.
NHỮNG BẢN ÁN CHỈ THI HÀNH TRÊN… GIẤY
Chị N. cho biết, con chị là con gái, rất cần được mẹ chăm sóc. Cháu tuy được bên nội nuôi, chăm sóc nhưng sao bằng mẹ ruột. Mấy lần chị tới thăm con, bé được cắt tóc như con trai, cho ăn trong cái thau chứ không được ăn uống đàng hoàng như con người ta. Nhìn cảnh con như vậy, không biết bao nhiêu nước mắt người mẹ như chị đã rơi. Giờ khi biết chị giành "núm ruột", bên chồng trở mặt, không cho chị thăm hay gặp con nữa.
Để có được bản án phúc thẩm ngày 31/3 vừa qua, chị và gia đình phải thuê luật sư, rồi lặn lội từ An Giang xuống Bạc Liêu nhiều lần để tham dự các đợt tòa triệu tập. Giờ chị chỉ mong sớm đoàn tụ với con, nhưng câu chuyện thi hành án giao quyền nuôi con lại là một câu chuyện dài khác.
Cháu T.Đ.K sinh năm 2019, cho đến khi cha mẹ ly hôn chỉ mới hơn 1 tuổi. Còn quá nhỏ để hiểu rằng, từ bây giờ cháu không thể có một gia đình đủ đầy, nhất là khi cha mẹ chia tay, ông bà hai bên không nhìn mặt nhau. Chị H.T.K.N (sinh năm 1992, ngụ huyện Vĩnh Lợi) kiên quyết ly hôn chồng là anh T.P.V (sinh năm 1991, ngụ cùng huyện). Mâu thuẫn không lớn, nhưng kéo theo sự hậu thuẫn của hai gia đình sui gia, thậm chí ông sui - bà sui đánh nhau “sứt đầu mẻ trán” vì bênh con, bênh cháu, nhiều lần phải có sự can thiệp của Công an xã để chấm dứt mâu thuẫn. Bản án ly hôn của tòa sơ thẩm tuyên chấp nhận ly hôn, giao cháu T.Đ.K cho mẹ nuôi. Anh T.P.V kháng cáo, cấp phúc thẩm y án, tuyên buộc anh V. phải giao cho vợ nuôi. Thế nhưng, dù bản án đã tuyên từ tháng 6/2020, nhưng đến nay, việc thi hành án giao con vẫn chưa thể thực hiện được. Đứa trẻ mới hơn 1 tuổi, rất cần hơi ấm, bầu sữa mẹ đã không có được cơ hội gần gũi mẹ. Anh V. tuyên bố, nếu ai tới bắt thi hành án thì anh sẽ cùng gia đình “tử chiến” chứ dứt khoát không giao con. Tình yêu thương con của anh V. không sai, nhưng với đứa bé còn quá nhỏ, mà phải chia cắt tình mẫu tử, không chỉ đạo đức xã hội mà pháp luật cũng không cho phép. Và khi tình yêu đó trở thành sự cố chấp, thì thiệt thòi chính là cháu T.Đ.K gánh chịu.
Hay trường hợp của chị H.T.H (xã Châu Hưng A) kiện đòi quyền nuôi con là cháu P.N.P (sinh năm 2016) mà người phải thi hành án là anh P.V.P, cha ruột của bé. Hiện tại cháu P.N.P sống cùng cha, ông bà nội và chị ruột tại xã Hưng Thành (huyện Vĩnh Lợi). Sau một tai nạn trong sản xuất khiến chị H.T.H phải nhập viện điều trị thời gian dài, các con vẫn ở cùng gia đình chồng (thời điểm này chị H. vẫn còn làm dâu). Khi điều trị xong cũng là lúc vợ chồng chị chia tay, chị H. được Tòa án 2 cấp giao quyền nuôi cháu P.N.P, lúc này chỉ mới 2 tuổi. Thế nhưng, dù đã rất nhiều lần yêu cầu được giao con, nhưng việc thi hành án vẫn không thể thực hiện được. Chị H. rất bức xúc, bởi sau tai nạn, giờ chị có rất nhiều tổn thương về tinh thần và thể xác. Chỉ còn con là nguồn sống, là động lực cho chị vượt lên. Nhưng nghịch lý là các con, sau nhiều năm xa cách, đã không còn muốn gần gũi với mẹ.
Chị N.M.N và tấm ảnh con gái chụp tại nhà nội của bé. Ảnh: P.V
GIAN NAN HÀNH TRÌNH TRẢ CON VỀ VỚI MẸ
Chị B.T.M (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) thuận tình ly hôn với chồng là anh T.T.N (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) năm 2018. Anh chị có 2 con chung, một cháu sinh năm 2015, một cháu sinh năm 2013, chị M. đều thống nhất giao anh T.T.N nuôi dưỡng, chị có quyền và nghĩa vụ thăm nom. Tuy nhiên, từ tháng 9/2019, mỗi khi chị M. đến nhà bên chồng (tại huyện Đông Hải) để thăm con thì đều bị ngăn cản. Ban đầu là mẹ chồng chỉ cho thăm, không cho chị dẫn con về bên ngoại chơi vài ngày. Lần sau thì ba chồng không cho thăm, còn xúc phạm chị và gia đình. Chị M. đã mời chính quyền địa phương đến lập biên bản về hành vi cản trở quyền thăm con. Sau đó, chị M. khởi kiện yêu cầu thay đổi quyền nuôi con. Chị cho rằng, thực tế chồng chị không trực tiếp nuôi con. Hai đứa con giao bà nội chăm sóc, mà bà thì đã trên 60 tuổi, lại chăm tới 4 đứa cháu (2 đứa là con của chị chồng cũng được gửi bà nuôi).
Bà Nguyễn Thị Chi - Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Vĩnh Lợi, cho biết từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn huyện có 6 vụ việc thi hành án giao con, đến nay vẫn không thật sự giao con được một trường hợp nào. 4/6 trường hợp, người yêu cầu thi hành án tự nguyện rút đơn, không yêu cầu nữa nên Cơ quan Thi hành án ra quyết định đình chỉ. Còn lại 2 trường hợp, trong đó có một trường hợp nêu trên, những người bị buộc phải thi hành án đều thể hiện quan điểm không đồng ý giao con, dù có bị xử lý như thế nào. Những trường hợp đình chỉ thi hành án cũng tương tự như thế, người đi đòi quyền nuôi con từ khi đứa trẻ còn đỏ hỏn cho đến khi con lớn, có vụ hơn 10 năm trời. Sự mỏi mòn vắt kiệt sức lực, tài chính và hy vọng, khiến họ bỏ cuộc. Hoặc họ nhận thấy, đứa con cuối cùng đã lớn, có cuộc sống ổn định nên chấp nhận thôi đòi thi hành án.
Ở bên kia chiến tuyến, anh N. cho rằng, mỗi lần chị rước con về bên ngoại là không giao con trả mà bên nhà anh phải tự đi rước về rất mất công. Mỗi khi gặp nhau, để rước được con là chị M. hay có hành vi giằng kéo, xô đẩy làm các con sợ hãi nên gia đình anh rất bức xúc mới dẫn đến hành vi ngăn cản không cho dẫn con về bên ngoại nữa. Mặc dù anh nhờ mẹ chăm sóc các con nhưng hàng ngày vẫn gọi điện thoại gặp con, vẫn về thăm con hàng tháng.
Còn đối với bà N.T.C (mẹ anh N.) lại càng quay quắt với câu chuyện trên. Dõi theo những phiên tòa xét xử tranh giành quyền nuôi con, bà đứng ngồi không yên. Bởi từ lúc lọt lòng đến giờ, cả 2 cháu đều một tay bà chăm sóc, tình cảm bà cháu không thể tách rời. Bà không thể nào chấp nhận nổi chuyện, Tòa giao cháu mình cho con dâu bởi “nó có chăm nuôi con ngày nào đâu”.
Khi Tòa tuyên giao bé gái sinh năm 2015 cho người mẹ nuôi dưỡng, “trận chiến” giờ mới thật sự bắt đầu. Sự căng thẳng, nặng nề bao trùm toàn bộ căn nhà của bà N.T.C, họ luôn trong tình trạng “phòng thủ” vì sợ bị bắt mất con, mất cháu. Đáng thương nhất là hai đứa trẻ. Cha mẹ ly hôn, đã là thiệt thòi, giờ với việc giành quyền nuôi con, hoặc chúng phải chia lìa tình anh em lần nữa, ắt hẳn sẽ bị tổn thương hơn. Hoặc sẽ không bao giờ được gặp mẹ cho những lần thăm nom vì ông bà nội và ba sẽ ngăn cản, không cho tiếp xúc như trước. Những vết thương này, biết bao giờ mới lành lại?
KIM PHƯỢNG
Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.
- Sắp xếp, tinh gọn bộ máy: Khắc phục tâm lý “ngủ đông” của công chức, viên chức
- Tái cơ cấu mô hình tăng trưởng cho cây lúa
- Năm 2025: Ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh quyết tâm thi đua hoàn thành nhiệm vụ được giao
- Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy Đông Hải
- Triển khai phần mềm theo dõi tiến trình đại hội Đảng bộ các cấp