Đóng góp dự thảo Luật Đất đai: Các vấn đề thu hồi đất, thẩm quyền giải quyết tranh chấp được đề cập
Việc lấy ý kiến đóng góp của Nhân dân liên quan đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang vào giai đoạn quan trọng. Hiện nay, các cơ quan, tổ chức tiếp tục nhận các ý kiến đóng góp của người dân cho đến hạn chót là ngày 15/3.
VẤN ĐỀ THU HỒI ĐẤT VÀ BỒI THƯỜNG, TÁI ĐỊNH CƯ
Việc thu hồi đất và tái định cư trong thời gian qua còn có những bất cập, hạn chế. Đây cũng là một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến đóng góp liên quan đến dự thảo Luật Đất đai. Nhiều người dân khi được hỏi ý kiến, đều quan tâm đến vấn đề này. Họ đề nghị dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần chú trọng hơn đến vấn đề bồi thường đất và tái định cư cho người dân.
Trên thực tế, nói đến thu hồi đất là liên quan đến nhiều tổ chức và quyền lợi, sinh kế của nhiều người dân. Nó cũng là một trong những lĩnh vực nhạy cảm có nhiều khiếu kiện nhất. Ngoài ra, còn tồn tại nhiều hạn chế trong chính sách bồi thường, giá cả bồi thường; tiến độ triển khai các dự án, công trình; trách nhiệm của địa phương chưa hoàn thiện dẫn đến việc hỗ trợ tái định cư còn gặp nhiều bất cập. Việc thực hiện chính sách về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm cho người dân có đất bị thu hồi chưa đầy đủ và đồng bộ.
Ông Huỳnh Văn Đông (Phường 1, TP. Bạc Liêu) cho rằng, nếu được, Luật Đất đai cần quy định rõ trong luật về quyền của người bị thu hồi đất tại các dự án phải được tham gia ngay từ đầu trong quá trình xây dựng phương án bồi thường, tái định cư; nếu phương án không tốt, không được đại đa số cư dân khu vực đó đồng ý cao thì phải giải trình, thay đổi phương án. Không để tình trạng quyết rồi mới hỏi ý kiến người dân, thành chuyện đã rồi, lúc đó ý kiến của người dân gần như không có tác dụng, gây thiệt thòi cho người bị thu hồi đất.
Liên quan đến quy định tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về “Bồi thường quyền sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước bồi hoàn cho người sử dụng đất bằng tiền, bằng đất hoặc bằng lợi ích vật chất”; nhiều người đang băn khoăn ở quy định về “lợi ích vật chất”. Các ý kiến cho rằng, cần quy định cụ thể, chứ chỉ chung chung như thế rất dễ dẫn tới hiện tượng các cơ quan thu hồi lạm dụng để bồi thường không thỏa đáng cho người dân.
Còn tiêu chí “tốt hơn nơi ở cũ” cũng cần được ghi rõ trong Luật là như thế nào. Vấn đề này liên quan đến đảm bảo các điều kiện cụ thể hỗ trợ tái định cư. Ví dụ, để đảm bảo tính công khai, minh bạch, các quy định của Luật cũng phải có quy định về mức sống tối thiểu ở nơi tái định cư; cùng với đó, cần quy định rõ việc thực hiện đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống lâu dài cho người có đất bị thu hồi… Tránh tình trạng đơn vị hay nhà đầu tư nói “tốt hơn nơi ở cũ” nhưng trên thực tế, người dân không nhận thấy như vậy.
Đất đai và giải quyết tranh chấp đất đai luôn là vấn đề nhạy cảm. Ảnh minh họa: K.P
THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI VỀ ĐẤT ĐAI
Liên quan đến thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, tại Điều 225 Dự thảo Luật quy định theo hướng chuyển toàn bộ sang cho Tòa án nhân dân (TAND) giải quyết; UBND các cấp không giải quyết tranh chấp đất đai mà chỉ cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho TAND giải quyết.
Vấn đề này, hiện tại đang nhận rất nhiều ý kiến trái chiều. Những người ủng hộ theo hướng đề xuất của dự thảo Luật thì cho rằng, việc giải quyết tranh chấp đất đai như quy định tại Điều 225 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là phù hợp. Lý do là giải quyết tranh chấp đất đai thuộc trách nhiệm tư pháp chứ không phải hành pháp.
Bởi thực tế theo Luật Đất đai hiện hành, thì người dân được lựa chọn hoặc là kiện ra tòa, hoặc khiếu nại UBND. Nhiều người cứ kiện UBND, giải quyết không đồng ý lại kiện ra tòa. Rồi từ tòa không chịu lại vòng về UBND, thậm chí là khiếu kiện kéo dài, ra đến Thanh tra Chính phủ, rồi lợi dụng quy định này mà không chịu chấm dứt khiếu kiện, gây khó khăn cho Nhà nước.
Ngược lại với quan điểm trên, những người theo ý kiến không đồng ý chuyển thẩm quyền hết cho Tòa án, cho rằng UBND là cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về đất đai, nên việc thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến nguồn gốc đất, liên quan đến quá trình sử dụng đất rất thuận lợi, do các hồ sơ, tài liệu này đều đang được lưu giữ tại cơ quan hành chính. Cơ chế giải quyết thông qua UBND có thủ tục đơn giản hơn, người dân không phải nộp lệ phí.
Ngoài ra, đất đai là một “đối tượng” vô cùng phức tạp, việc chỉ giao thẩm quyền giải quyết tranh chấp cho TAND sẽ gây ra tình trạng ùn ứ, kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp đất đai, trong khi vụ việc đã có thể kết thúc ngay từ những buổi làm việc tại UBND. Dự thảo Luật đã sửa theo hướng bỏ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của UBND là thu hẹp bớt quyền của người dân, đồng thời bỏ đi một cơ chế giải quyết có tính linh hoạt, hiệu quả hơn.
KIM KIM