Đóng góp Luật Đất đai (sửa đổi): Quan tâm quyền sở hữu đất đai của kiều bào và điều kiện chuyển đổi đất nông nghiệp
Tiếp tục việc huy động trí tuệ của mọi người dân, mọi tầng lớp vào việc đóng góp dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trong bài viết này, các ý kiến liên quan đến quyền sở hữu đất đai của kiều bào và điều kiện chuyển đổi đất nông nghiệp, vấn đề thu hồi đất được quan tâm.
Đất nông nghiệp luôn bị ràng buộc điều kiện chuyển đổi, chuyển nhượng. Ảnh: K.K
Kiều bào mong được hưởng các quyền về đất đai giống như người Việt trong nước
Luật Đất đai (sửa đổi) có dành hẳn các điều luật để quy định liên quan đến các quyền về đất đai tại Việt Nam cho kiều bào. Việc Nhà nước tạo điều kiện cho người Việt định cư ở nước ngoài sở hữu nhà ở, đất ở là việc rất cần thiết. Đây là nguồn thu hút ngoại tệ đầu tư vô cùng hiệu quả vào xây dựng đất nước, kiều bào phát triển bất động sản còn góp phần đóng thuế và phát triển các dịch vụ liên quan. Nhà ở, đất ở là bất động sản, là tài sản cố định, nên bà con kiều bào sở hữu tài sản này cũng nằm ở trong nước và ít có rủi ro.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có nhiều điểm mới trong việc quy định về quản lý, sử dụng đất liên quan đến nước ngoài trong chính sách, pháp luật đất đai hiện hành, như việc từ chỗ kiều bào chỉ được mua một nhà ở hoặc một căn hộ chung cư, thì nay không còn bị hạn chế số lượng nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất (QSDĐ) ở tại Việt Nam. Ngoài ra, dự thảo đã tháo gỡ những hạn chế còn tồn tại về vấn đề đất ở là QSDĐ mà chưa có công trình nhà ở bên trên và đưa vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cụ thể ở Điều 30 và Điều 47.
Kiều bào ở nước ngoài đang rất mong chờ 2 điều luật trên được thông qua để quyền và nghĩa vụ về nhà ở và đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài dần được bình đẳng như công dân trong nước.
Điều kiện chuyển đổi QSDĐ nông nghiệp
Điều 51 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về Điều kiện chuyển đổi QSDĐ nông nghiệp quy định, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp do được Nhà nước giao đất, do chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, được tặng cho QSDĐ hợp pháp từ người khác thì chỉ được chuyển đổi QSDĐ nông nghiệp trong cùng xã, phường, thị trấn hoặc xã, phường, thị trấn giáp ranh trong cùng một huyện cho cá nhân khác để thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và không phải nộp thuế thu nhập từ việc chuyển đổi QSDĐ và lệ phí trước bạ.
Theo ông Trần Ngọc Thanh (TP. Bạc Liêu) thì quy định như vậy vẫn chưa phù hợp trên thực tế. Ông đề nghị nên mở rộng hơn nữa đối tượng được nhận chuyển đổi QSDĐ, có thể là người ở nơi khác đến vẫn được, miễn họ đáp ứng điều kiện là tiếp tục sản xuất trên diện tích đất mà họ nhận chuyển đổi là được.
Bồi thường đất ở các dự án thương mại phải dựa trên giá thỏa thuận với người dân
Các dự án thu hồi đất để làm cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, khu công nghiệp... Nhà nước quyết định giá bồi hoàn giải tỏa là phù hợp. Tuy nhiên, đối với các dự án thu hồi đất để kinh doanh có nhiều lợi nhuận như xây dựng khu đô thị thương mại thì phải lấy ý kiến người dân liên quan đến các vấn đề bồi thường, giải tỏa, tái định cư. Theo bà Lê Thị Út (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi), dự án của chủ đầu tư bán thu lợi nhuận thì đề nghị dù là lấy đất nông nghiệp của dân cũng phải bồi thường trên giá trị quy đổi một phần sang đất ở, đất phi nông nghiệp. Tốt nhất là bàn giao một phần đất tại chỗ của dự án cho dân, vừa đỡ phải bồi thường mà dân cũng đồng thuận cao, lại mong dự án mau hoàn thành để họ cùng chủ đầu tư được hưởng lợi trên đó, nên sẽ tránh được nhiều xung đột và tranh chấp, mâu thuẫn, khiếu kiện kéo dài.
KIM KIM