Đóng góp tâm huyết cho các dự án Luật của đại biểu Quốc hội tỉnh

Thứ Sáu, 15/11/2024 | 17:08

Trong kỳ họp Quốc hội cuối năm 2024, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh, trong suốt kỳ họp các ĐBQH tỉnh đã có rất nhiều ý kiến phát biểu tại hội trường, thảo luận tại tổ, đóng góp bằng văn bản, thể hiện quan điểm liên quan đến các vấn đề về lập pháp. Những ý kiến của các đại biểu đã được Quốc hội ghi nhận, thể hiện mong muốn của cử tri qua các kỳ tiếp xúc xử tri, được cử tri trong tỉnh đồng thuận cao.

Quang cảnh buổi thảo luận tại tổ 6 trong kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Thanh Thúy

Góp ý cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, đại biểu Nguyễn Huy Thái - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh rất băn khoăn với tình trạng quảng cáo không đúng bản chất sự việc, tô màu thêm, trong đó có sự tiếp tay của những người nổi tiếng trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao. Đại biểu Nguyễn Huy Thái đề nghị phải quy định cụ thể, rõ ràng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người chuyển tải nội dung quảng cáo. Nhất là chế tài phải đủ sức răn đe với những người có sức ảnh hưởng lớn khi họ thực hiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm, phải gắn trách nhiệm của người quảng cáo với tính trung thực của sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm có tác động trực tiếp đến sức khỏe con người.

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, thảo luận tại nghị trường của Quốc hội, ĐBQH Trần Thị Hoa Ry bày tỏ sự tán thành với quy định liên thông cấp chuyên môn kỹ thuật khi đi khám, chữa bệnh (KCB). Việc liên thông này để bảo đảm quyền Hiến định của người dân được lựa chọn nơi KCB phù hợp, tốt nhất cho bản thân khi có bệnh. Đại biểu đề nghị ngành Y tế cần tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công để phát triển hệ thống y tế cơ sở, tránh tình trạng thừa vốn mà dự án vẫn không được triển khai, giải ngân hoặc trả lại vốn. Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về liên thông kết quả cận lâm sàng giữa các cơ sở KCB thuộc các cấp chuyên môn kỹ thuật và quy định rõ thời điểm thực hiện liên thông toàn quốc cũng như công nhận kết quả cận lâm sàng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Nếu thực hiện được điều này, có thể tiết kiệm chi phí in phim chụp hàng ngàn tỷ đồng. Nếu ngành Y tế thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm thì hàng ngàn tỷ đồng lại tiếp tục được tiết kiệm cho Quỹ Bảo hiểm y tế, giảm gánh nặng chi trả dịch vụ y tế cho toàn xã hội, trong đó có hàng triệu người là bệnh nhân nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn.

Góp ý cho Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), tại Điều 81 dự thảo Luật không quy định đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) mà chỉ quy định một số đối tượng tham gia BHTN. ĐBQH Lê Thị Ngọc Linh cho rằng, nếu quy định như dự thảo Luật có thể tạo kẽ hở để một số doanh nghiệp lách luật, không đóng BHTN cho người lao động (NLĐ), gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của NLĐ. Đại biểu đề nghị giữ nguyên như quy định tại Điều 43 của Luật Việc làm năm 2013 quy định đối tượng bắt buộc tham gia BHTN nhằm bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Ngoài ra, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh ủng hộ chính sách hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi. Đồng thời cũng lưu ý, dự thảo Luật cần phải quy định cụ thể đối tượng, nguyên tắc tuyển dụng, sử dụng lao động đảm bảo phù hợp và khả thi.

Bên cạnh bày tỏ quan điểm ủng hộ việc ban hành Luật Nhà giáo, đại biểu Trần Thị Thu Đông cũng góp ý một số ý kiến để hoàn thiện dự thảo. Đối với quy định về những việc không được làm (Điều 11), tại điểm b, Khoản 3, Điều 11 quy định cấm “Công khai thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền hoặc lan truyền, phát tán thông tin không chính xác về nhà giáo”, theo đại biểu, cần phải làm rõ quy định này để tránh mâu thuẫn với quy định về quyền tiếp cận thông tin theo Luật Báo chí và quyền tự do ngôn luận của công dân quy định trong Hiến pháp 2013 và nhiều văn bản liên quan. Bên cạnh đó, với sự phát triển của mạng xã hội và phương tiện truyền thông như hiện nay, việc phản ánh của người dân về các sự việc trong đời sống được thực hiện dễ dàng và khó có thể kiểm soát. Nếu cấm hoàn toàn việc thông tin về sai phạm của nhà giáo có thể làm giảm hiệu quả của việc đấu tranh phòng, chống sai phạm trong lĩnh vực giáo dục, dễ dẫn đến sai phạm sẽ càng nặng nề hơn và dư luận sẽ cho rằng nhà giáo được trao “đặc quyền, đặc lợi” quá lớn. Từ đó đại biểu Trần Thị Thu Đông đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ mức độ thông tin, loại thông tin nào không được công khai trong các vụ việc liên quan đến nghi ngờ sai phạm của nhà giáo.

Kim Phượng (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.