Đóng góp ý kiến Luật Đất đai (sửa đổi): Cần ngăn ngừa hành vi thao túng giá đất
Sau hơn một tháng lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) từ ngày 3/1/2023 đến nay, đã có rất nhiều ý kiến tham gia đóng góp để hoàn chỉnh dự thảo. Các nội dung về thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất được cho ý kiến nhiều nhất.
Đất đai và quản lý đất đai luôn là vấn đề thời sự nóng được người dân quan tâm. Ảnh minh họa: K.K
9 vấn đề trọng tâm của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 170 về tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), qua đó nhằm mục đích nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết 671/NQ-UBTVQH15, đồng thời huy động trí tuệ, tâm huyết của Nhân dân hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả; phản ánh ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích Nhân dân và tạo không gian, nguồn lực cho sự phát triển của đất nước.
Nội dung lấy ý kiến ngoài bố cục, nội dung và kỹ thuật trình bày của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn lấy ý kiến về một số vấn đề trọng tâm của dự thảo Luật. Đó là 9 vấn đề liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; hộ gia đình sử dụng đất.
Cần giải quyết dứt điểm tình trạng cò đất thao túng thị trường
Đưa đất về giá trị thật, quản lý cò đất, tránh tình trạng “bong bóng” trong định giá đất - đó là ý kiến của chị Nguyễn Thị Lan (Phường 8, TP. Bạc Liêu) đóng góp cho Luật Đất đai (sửa đổi). Cụ thể, chị Lan cho rằng, hiện nay nhiều người dân có nhu cầu mua nhà đất không thể tiếp cận đúng giá trị thực tế. Do thị trường nhà đất đang bị thao túng bởi nhiều đối tượng, nhất là các đối tượng chuyên kinh doanh nhà đất, các loại cò nhà đất, khiến nhu cầu thì có thật, nhưng thị trường nhà đất đầy bất ổn và rủi ro.
Thị trường bất động sản tại Bạc Liêu cũng như cả nước đều xảy ra tình trạng các đối tượng (cò đất) câu kết nhau nâng giá, tạo mặt bằng giá mới. Ở các dự án hoặc khu vực muốn đẩy giá đất cao lên, các “cò” sẽ thay nhau tạo giao dịch ảo, bỏ giá cao để khiến nhiều người tin rằng giá đất tăng. Cuối cùng, chỉ những người dân là phải chi ra số tiền cao hơn giá trị thật của nhà đất, tiền lợi nhuận chảy vào túi của các đối tượng bắt tay nhau thao túng thị trường, gây thiệt hại cho người dân thật sự có nhu cầu về nhà ở.
Cũng theo ý kiến của chị Lan, dự thảo Luật Đất đai nên đánh thuế chuyển nhượng cao nếu nhà đầu tư mua đi bán lại. Đồng thời, Nhà nước cũng cần đánh thuế những người có nhiều bất động sản và đánh thuế ở mức cao nếu không đưa đất vào sử dụng. Ngoài ra, cần thiết có cơ chế xử lý nghiêm các tổ chức có dấu hiệu tiếp tay, các đầu nậu, “cò” đất tung tin đồn để trục lợi.
Các nhà làm luật cần nghiên cứu để có phương án hạn chế hành vi lũng đoạn thị trường bất động sản, ngăn ngừa hành vi thao túng giá đất đai. Điển hình là cần xây dựng một chế tài cụ thể để xử lý hành vi thao túng giá bất động sản. Ngoài ra, Luật Đất đai sắp tới cần minh bạch, công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để người dân được biết, có như thế sẽ tránh được tình trạng sốt đất ảo, “ém” thông tin rồi đưa không đúng lúc, tạo cơ hội cho đối tượng đầu cơ trục lợi.
Kim Kim