Đưa pháp luật về cơ sở: Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân

Thứ Sáu, 08/07/2022 | 17:06

Tuyên truyền pháp luật có vai trò rất quan trọng trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền, là cầu nối để chuyển tải các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân, từ đó tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Tuyên truyền pháp luật cho người dân thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân). Ảnh: Trần Thái

GẮN TUYÊN TRUYỀN VỚI TỪNG NHÓM ĐỐI TƯỢNG

Để đưa pháp luật đến tận người dân ở cơ sở, trong những năm qua, Sở Tư pháp đã tích cực tham mưu cho cấp có thẩm quyền triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với từng nhóm đối tượng, địa bàn. Các văn bản được ban hành thường xuyên và kịp thời hơn, chú trọng bám sát mục tiêu, yêu cầu, mục đích phổ biến pháp luật và gắn hoạt động tuyên truyền pháp luật với nhiệm vụ chính trị cụ thể của cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc điểm của đối tượng và đặc thù của địa bàn.

Các ban ngành cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố cũng thường xuyên tổ chức các lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, công chức, doanh nghiệp, người lao động và Nhân dân trên địa bàn. Không chỉ chú trọng phổ biến các văn bản pháp luật của Trung ương, Bạc Liêu còn chú trọng phổ biến những văn bản quan trọng của địa phương, từ văn bản của Tỉnh ủy đến các nghị quyết của HĐND tỉnh, quyết định của UBND tỉnh. Từ việc tổ chức đa dạng hình thức phổ biến pháp luật đến cộng đồng và những thay đổi cách tiếp cận đã giúp người dân nâng cao nhận thức pháp luật, tạo thói quen quan tâm học tập, tìm hiểu pháp luật. Nhiều mô hình, cách làm hay đã được sử dụng và phát huy có hiệu quả, điển hình như hình thức phổ biến pháp luật trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, các đối tượng yếu thế, đối tượng đặc thù.

TẢI PHÁP LUẬT LÊN MẠNG XÃ HỘI

Một hình thức tuyên truyền pháp luật cực kỳ nhanh, hiệu quả trong thời đại 4.0 hiện nay, chính là thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, Internet. Lợi thế của hình thức này là phổ cập nhanh chóng, kịp thời, rộng khắp, hấp dẫn và có đông đảo người quan tâm, đặc biệt là giới trẻ. Các bạn trẻ thường không chịu khó ngồi  mấy giờ đồng hồ để nghe báo cáo viên pháp luật nói về các quy định pháp luật, nhưng họ lại thích tìm kiếm thông tin trên các trang mạng điện tử. Người dân ít có thời gian cũng vậy, khi cần những thông tin pháp luật, họ thường sử dụng các công cụ từ mạng Internet để tìm. Do đó, việc tuyên truyền pháp luật thông qua mạng xã hội là hết sức hữu hiệu, để đưa pháp luật đến gần với cuộc sống.

Một hình thức tuyên truyền pháp luật cũng thu hút sự quan tâm của nhiều thành phần - chính là hoạt động trợ giúp pháp lý và hoạt động của các câu lạc bộ, các mô hình ở cơ sở. Hằng năm, riêng ngành Tư pháp đã tổ chức trên 100 cuộc tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, sinh hoạt Câu lạc bộ “Trợ giúp pháp lý” cho người dân và người cần trợ giúp pháp lý. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 4.400 tổ chức quần chúng tham gia tuyên truyền pháp luật, vận động đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật. Bạc Liêu đã được Trung ương công nhận 25 mô hình tiên tiến như: “Doanh nghiệp đỡ đầu các tổ chức quần chúng”, “Câu lạc bộ hoàn lương”, “Tổ tự quản dòng tộc về an ninh trật tự trong vùng đồng bào tôn giáo, dân tộc”… Kinh phí hoạt động của mô hình này, một phần từ Nhà nước, phần còn lại do doanh nghiệp tự chi trả.

Với phương châm hướng về cơ sở, nhiều hình thức, mô hình tuyên truyền thời gian qua đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực. Ý thức pháp luật của người dân được nâng lên đáng kể, việc tuân thủ pháp luật ngày càng tốt thì tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm trên địa bàn cũng giảm đáng kể.

KIM PHƯỢNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.