Đừng để nhờn luật!
“Nhờn luật” là gì? Đó chính là khi có quy định của pháp luật nhưng lại không được áp dụng hoặc áp dụng không nghiêm, dẫn đến việc người dân không sợ, cơ quan thực thi pháp luật cũng lơ là, không làm hết trách nhiệm. Nếu để tình trạng “nhờn luật” xảy ra nhiều, cũng đồng nghĩa với yếu tố kỷ luật, kỷ cương giảm sút, nhà nước pháp quyền khó mà đảm bảo thực thi hiệu quả.
Khách hành hương vô tư xả rác tại một điểm du lịch tâm linh nổi tiếng trên địa bàn TP. Bạc Liêu. Ảnh: K.K
Mới đây nhất, liên quan đến Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Từ khi Nghị định có hiệu lực đến nay, người tham gia giao thông tại Bạc Liêu hầu hết đều chấp hành khá nghiêm chỉnh. Các hành vi vi phạm các lỗi theo quy định của Nghị định với mức phạt tăng cao đã giảm đáng kể, như vi phạm nồng độ cồn, vi phạm về vượt đèn đỏ; các phương tiện cũng không còn phóng nhanh vượt ẩu vì sợ bị camera phạt nguội, bắn tốc độ trên đường.
Tuy nhiên, qua tết Ất Tỵ, mấy ngày gần đây, ở một số tuyến đường, nhất là các chốt đèn giao thông trong nội ô TP. Bạc Liêu, những nơi chưa được lắp camera phạt nguội, đã bắt đầu tái xuất hiện tình trạng các đối tượng điều khiển xe máy “vượt đèn đỏ”. Khi bị những người tham gia giao thông khác phản ứng, một số đối tượng còn tỏ thái độ thách thức vì đâu có bằng chứng. Tương tự, trên tuyến đường một chiều Hai Bà Trưng - Lý Tự Trọng (Phường 3, TP. Bạc Liêu), nhiều phương tiện tham gia giao thông (xe máy) vô tư chạy hướng ngược chiều mà không thấy bị xử phạt. Không ít người dân bức xúc cho rằng, Nghị định 168 rất nghiêm, nhưng đó đây vẫn còn tình trạng buông lỏng xử lý. Việc lắp camera ở các chốt đèn giao thông không khó, vì sao cơ quan nhà nước không lắp để dễ kiểm soát và xử phạt nguội?
Một lĩnh vực cũng gây nhiều bức xúc cho dư luận, liên quan đến vấn đề xử lý vi phạm trong môi trường. Nghị định 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định phạt tiền từ từ 100.000 - 150.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; phạt tiền từ 150.000 - 250.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định; phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định; hay hành vi hút thuốc lá nơi công cộng bị xử phạt…
Với Nghị định 45 (có hiệu lực từ tháng 8/2022), đến nay việc xử phạt đối với các hành vi vi phạm đã nêu ở trên vẫn đang còn bỏ ngỏ. Lý do được đưa ra vẫn là không có lực lượng, lực lượng mỏng nên không đủ nhân lực để xử lý các hành vi trên. Điều này vô hình trung dẫn đến một tâm lý “nhờn luật” của nhiều người, trong ý thức bảo vệ môi trường tại Việt Nam.
Có thể dễ dàng nhận thấy, cũng là con người đó, khi ở tại nhà, tại địa phương mình thì không có một chút ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng; nhưng khi ra nước ngoài, không bao giờ dám xả rác xuống đường phố hay các chỗ công cộng, càng không dám bạ đâu hút thuốc đó hay quăng tàn thuốc lung tung. Đơn giản chỉ vì họ biết, nếu vi phạm ở xứ người, ngay lập tức sẽ bị xử phạt và phạt rất nặng. Như vậy, hoàn toàn không phải do ý thức không có mà chỉ có thể lý giải là họ xem thường pháp luật vì luật không được thực thi nghiêm mà thôi!
KIM KIM
- Những công trình ý Đảng - lòng dân
- Lấy ý kiến phản biện điều chỉnh bảng giá các loại đất năm 2025
- Đừng để nhờn luật!
- Dừng dạy thêm trong nhà trường: Băn khoăn chuyện ôn luyện của học sinh cuối cấp
- Quốc hội thảo luận tại tổ về Đề án bổ sung phát triển kinh tế - xã hội 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên