Đừng sập bẫy lừa tin nhắn giả mạo thương hiệu
Thời gian gần đây, các nhóm tội phạm mạng mạo danh thương hiệu nhà mạng, ngân hàng, nhà sản xuất… để gửi tin nhắn lừa đảo đang gia tăng. Không ít người nhẹ dạ đã cung cấp các thông tin tài khoản cá nhân của mình cho đối tượng mà không ngờ rằng, đó là chiêu lừa để chiếm đoạt tài sản tinh vi.
Phòng An ninh mạng (Công an tỉnh) cảnh báo về các tin nhắn lừa đảo giả mạo thương hiệu. Ảnh: Đ.H
Theo Phòng An ninh mạng (Công an tỉnh), thời gian qua, nhiều người dân nhận được tin nhắn giả mạo thương hiệu các ngân hàng có đính kèm link yêu cầu đăng nhập để nhận quà tặng, tri ân khách hàng. Đây là thủ đoạn giả mạo thương hiệu của tội phạm mạng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, lợi dụng tâm lý thích nhận quà của người dân. Cụ thể, bọn tội phạm mạng đã thực hiện nhiều tin nhắn mạo danh thương hiệu các ngân hàng mà người dân thường xuyên giao dịch để gửi các tin nhắn SMS kèm theo đường link yêu cầu đăng nhập tài khoản để nhận quà. Do thấy tin nhắn nhận được là đến từ các ngân hàng, nhà mạng, nhà sản xuất uy tín (thông qua chiêu lừa), không ít người nhẹ dạ đã giao nộp tài khoản của mình cho đối tượng xấu dẫn tới bị chiếm đoạt tiền.
Quá trình phạm tội của tội phạm mạng bắt đầu từ khâu thu thập dữ liệu khách hàng của ngân hàng gồm số điện thoại, số tài khoản từ nhiều nguồn. Sau đó, kết hợp với thiết bị là trạm phát sóng BTS giả để thực hiện gửi tin nhắn mạo danh, nhờ vậy chúng dễ dàng mạo danh hệ thống để gửi tin nhắn lừa đảo đến người dùng theo nội dung và chức danh mà chúng mong muốn. Các tin nhắn thường có nội dung cảnh báo người dùng về việc tài khoản cá nhân của họ bị đăng nhập trái phép hoặc thông báo về các chương trình tặng quà khuyến mại, tri ân khách hàng của ngân hàng, đồng thời yêu cầu người dùng phải đăng nhập vào tài khoản với một đường link gửi kèm. Người dùng sẽ dễ bị đánh lừa đến với bước tiếp theo, đó là nhấp vào đường link gắn kèm nhưng thật ra cũng là Website mạo danh có giao diện gần giống với trang chủ tương ứng Website thật mà các đối tượng bất hảo lựa chọn. Một khi người dùng đăng nhập tài khoản cá nhân vào các Website giả mạo này, đồng nghĩa với việc họ đã vô tình “giao nộp” tài sản của mình cho kẻ xấu.
Cơ quan An ninh mạng khuyến cáo, để tránh rơi vào cảnh bị lừa, người tiêu dùng cần tỉnh táo, cảnh giác trước các thông tin yêu cầu đăng nhập của các tin nhắn, các ngân hàng, đơn vị cung cấp dịch vụ, nhà sản xuất… Trên thực tế, các đơn vị này không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân thông qua SMS, email, phần mềm chat. Nếu có nhận được các thông tin tương tự đã nói trên, người dân cần liên hệ trực tiếp đến ngân hàng để xác minh lại thông tin. Tuyệt đối không nhấp vào bất cứ đường link lạ nào từ các tin nhắn chưa rõ về nguồn gốc.
Đ.H
- Quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyển quân 2025
- Chăm lo Tết cho người dân còn khó khăn ở vùng ven biển
- Hơn 40 sản phẩm tham gia Cuộc thi thiết kế quà tặng lưu niệm du lịch tỉnh Bạc Liêu
- TP. Bạc Liêu: Đưa 2 tuyến đường trọng điểm vào khai thác
- Nghị định mới về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng