Ghi nhận qua 10 năm thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam
Ngày Pháp luật Việt Nam (PLVN) ban đầu là mô hình bắt nguồn từ sáng kiến của các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bạc Liêu. Trong đó, Bạc Liêu tổ chức triển khai mô hình này hằng tháng, chọn ngày 9 là ngày sinh hoạt pháp luật. Trong 10 năm qua, hằng năm, căn cứ Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và hướng dẫn của Trung ương, Bạc Liêu luôn tích cực tổ chức các hoạt động hưởng ứng bằng nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả từ tỉnh cho đến cơ sở.
Hội nghị tuyên truyền Ngày Pháp luật năm 2022 do Sở Tư pháp tổ chức. Ảnh: K.K
Cụ thể, tỉnh đã tổ chức 5 cuộc tọa đàm về lịch sử, ý nghĩa Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thực hiện 10 phóng sự chuyên sâu về Ngày PLVN; tổ chức hơn 35.900 cuộc hội nghị hưởng ứng Ngày PLVN và phổ biến các văn bản pháp luật cho hơn 5.385.000 lượt đại biểu tham dự. Tổ chức thành công cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; trên 20 cuộc thi tìm hiểu pháp luật; thực hiện treo 9.080 băng-rôn hưởng ứng Ngày Pháp luật tại các trục đường chính, trụ sở cơ quan, trường học, doanh nghiệp. Cấp 80.000 tờ bướm tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa Ngày PLVN và trên 700.000 tờ bướm tuyên truyền pháp luật và nhiều tài liệu tuyên truyền pháp luật khác như Sổ tay pháp luật, sách luật các loại.
Các sở, ban, ngành, đoàn thể thực hiện tuyên truyền nhiều bài viết trên Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, địa phương; tổ chức các đợt ra quân tìm hiểu pháp luật; thực hiện trên 15 phiên tòa giả định trong các trường học. Thực hiện tuyên truyền về Ngày Pháp luật trong buổi sinh hoạt dưới cờ để tuyên truyền cho học sinh, lồng ghép tuyên truyền về an toàn giao thông trong tháng cao điểm Ngày Pháp luật và tổ chức hoạt động phổ biến pháp luật trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Có thể nói, sau 10 năm thực hiện, Ngày PLVN đã trở thành sự kiện chính trị, pháp lý quan trọng và có ý nghĩa sâu sắc với cả nước nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng.
Ngày Pháp luật năm 2022, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ điều kiện thực tiễn, nhiệm vụ chính trị của mình và các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục thực hiện phổ biến các luật, pháp lệnh, văn bản pháp luật mới ban hành. Tập trung phổ biến những vấn đề dư luận, xã hội quan tâm; kịp thời phản ánh, lan tỏa các nhân tố tích cực, góp phần củng cố niềm tin, tạo đồng thuận trong toàn xã hội về chấp hành pháp luật. Để góp phần lan tỏa tinh thần của Ngày Pháp luật, tỉnh tăng cường khuyến khích, động viên các cơ quan, đơn vị, địa phương phát huy hơn nữa các sáng kiến, mô hình, giải pháp hiệu quả thiết thực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Không ngừng sáng tạo, đổi mới nội dung, phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật với phương châm người dân là trung tâm; đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin, hoạt động chuyển đổi số trong phổ biến, giáo dục pháp luật, đảm bảo quyền và các điều kiện tiếp cận rộng rãi thông tin pháp luật của người dân, doanh nghiệp và bảo vệ các quyền tự do cơ bản, phù hợp với luật pháp Việt Nam và các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên; góp phần thực hiện có hiệu quả các quy định dân chủ ở cơ sở theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đặc biệt quan tâm đến các nhóm đối tượng yếu thế, đối tượng khó khăn trong tiếp cận pháp luật, vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Kim Kim