Giải quyết các vấn đề môi trường - Từ cuộc sống đến pháp lý

Thứ Sáu, 04/06/2021 | 16:51

Tháng hành động Vì môi trường năm 2021 với hàng loạt nội dung như liên kết chống lại biến đổi khí hậu; sử dụng đồ dùng từ vật liệu tái chế; chống đánh bắt hải sản theo cách phá hủy cân bằng sinh học; khuyến khích sử dụng nguồn nguyên liệu xanh; giảm sử dụng thuốc trừ sâu, các sản phẩm từ nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy… Ở cấp địa phương, vấn đề cần giải quyết triệt để là các vấn nạn ô nhiễm môi trường từ chất thải, rác thải; kiểm soát hoạt động đánh bắt thủy, hải sản theo hướng bền vững; khuyến khích triển khai các công trình bảo vệ môi trường (BVMT), huy động sự tham gia của cộng đồng trong BVMT. Để thực hiện được những điều này, bên cạnh hệ thống pháp luật về BVMT phù hợp thì quan trọng nhất chính là con người thực thi và chấp hành.

Bài 1: Ô nhiễm môi trường - Thực trạng đáng báo động

Tỷ lệ nghịch với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội luôn luôn là cái giá phải trả của tình trạng ô nhiễm môi trường từ việc khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên như đất, nước, khoáng sản, tài nguyên sinh vật, nguồn lợi thủy, hải sản một cách tận diệt. Những hoạt động này đã tạo sức ép không nhỏ đến môi trường, chẳng hạn như khối lượng chất thải rắn, rác thải, nước thải, chất thải nguy hại, khí thải sản xuất và khí thải từ các phương tiện giao thông ngày càng tăng về số lượng và mức độ tác động ngày càng cao hơn.

Sơ đồ chất lượng nước trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu năm 2020. Ảnh: K.P

NHIỀU YẾU TỐ TÁC ĐỘNG XẤU ĐẾN MÔI TRƯỜNG

Hiện trạng môi trường của tỉnh Bạc Liêu hiện nay đã có dấu hiệu của sự ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm môi trường nước và rác thải. Môi trường ô nhiễm gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người, tác động đến các vấn đề xã hội, những thiệt hại về kinh tế do gánh nặng bệnh tật làm tăng chi phí khám chữa bệnh, phòng trừ dịch bệnh, tổn thất công lao động. Ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là hoạt động nuôi trồng thủy sản, du lịch, nhìn xa hơn là chi phí cải tạo môi trường. Bên cạnh đó, nếu không giải quyết tốt vấn đề ô nhiễm môi trường, nó còn ảnh hưởng đến cảnh quan và hệ sinh thái, tạo ra xung đột giữa vấn đề lợi ích kinh tế và BVMT, sức khỏe cộng đồng mà nhiều địa phương khác vì chỉ chú trọng đến kinh tế, bỏ mặc yếu tố môi trường đã phải trả giá.

Theo báo cáo của Sở TN-MT, lượng rác thải tại các khu dân cư và cơ sở sản xuất - kinh doanh phát sinh hàng ngày rất lớn, trong khi hầu hết các bãi rác tập trung trên địa bàn tỉnh đã quá tải. Một số huyện, thị xã, thành phố chưa được đầu tư xây dựng lò đốt rác để xử lý lượng rác thải và năng lực thu gom rác thải còn hạn chế, chỉ thu gom được các tuyến đường chính ở trung tâm các xã, thị trấn, các khu vực còn lại chưa được thu gom, xử lý, nhất là vùng sâu, vùng xa. Cùng với tập quán, thói quen sinh hoạt của người dân, hành vi vứt rác bừa bãi, chuồng trại chăn nuôi chưa được quan tâm xử lý triệt để chất thải, đặc biệt với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh là tác nhân gây ô nhiễm môi trường rất cao nếu không có giải pháp kiểm soát ô nhiễm tốt.

Bên cạnh đó, chất thải phát sinh từ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng chưa được quan tâm thu gom và xử lý đúng quy định. Trong khi đây là nguồn gây tác động xấu cho môi trường đất và nước. Kế đến là tình trạng người dân thường đốt bỏ rơm rạ ngay trên đồng ruộng. Việc đốt rơm rạ ngoài trời tạo ra chất khí: CO2, CO, NOx, bụi mịn gây ra các ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người và môi trường. Ngoài ra còn phải kể đến hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm chủ yếu theo hình thức trang trại, hộ gia đình, không ít hộ chăn nuôi xử lý chất thải theo kiểu đối phó. Lượng chất thải chăn nuôi có chứa nhiều vi khuẩn, ký sinh gây bệnh lại được thải trực tiếp ra ao hồ, kênh rạch khi đi vào nguồn nước sẽ gây nguy cơ lan tràn dịch bệnh. Mùi hôi chuồng trại gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân.

Rác thải nhựa, chai thuốc bảo vệ thực vật bị vứt bỏ gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: M.Đ

NỖI LO TỪ Ô NHIỄM DO NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

Vấn đề xử lý nước thải và chất thải từ mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đang là một thách thức không nhỏ trên địa bàn tỉnh hiện nay. Trong rất nhiều cuộc tiếp xúc cử tri từ Quốc hội đến HĐND các cấp, đây cũng là vấn đề mà rất nhiều cử tri bức xúc. Bởi ô nhiễm môi trường nước là kéo theo rất nhiều hệ lụy, mà hậu quả dễ thấy nhất chính là sự thất mùa của chính những người dân trong vùng nuôi trồng thủy sản.

Theo số liệu báo cáo, năm 2018 Bạc Liêu có 13 công ty, doanh nghiệp, 2 đơn vị sự nghiệp và 342 hộ dân thực hiện mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên tổng diện tích đất là 1.845ha, diện tích mặt nước nuôi 185,22ha, với 1.575 ao/hồ nuôi. Với sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực này; Đến nay, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh đã vượt qua con số 2.000ha, với sản lượng đạt khoảng 50.000 tấn/năm và còn tiếp tục tăng. Vấn đề giải quyết nước thải và chất thải từ mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đang là một thách thức không nhỏ, nhất là khi kinh phí đầu tư mô hình xử lý nước thải cao, nhiều hộ nuôi cố tình né tránh, không thực hiện. Đa số các hộ nuôi xả thải trực tiếp ra môi trường, dẫn đến các tuyến kênh trong khu vực có hộ nuôi tôm siêu thâm canh bị ô nhiễm, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước của các hộ nuôi tôm xung quanh.

Mặc dù tỉnh đã có nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng trên như tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về BVMT; tăng cường công tác thanh - kiểm tra, kiên quyết xử lý đúng theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm xả thải gây ô nhiễm môi trường. Nhưng đây cũng chưa phải là giải pháp lâu dài, bởi quan trọng nhất vẫn là ngăn chặn không để hành vi vi phạm ô nhiễm môi trường xảy ra chứ không phải khắc phục hậu quả từ việc môi trường đã bị gây hại.

BỘC LỘ NHIỀU BẤT CẬP TRONG QUY ĐỊNH VỀ BVMT

Những yếu kém trong công tác BVMT do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng chủ yếu là do chưa có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của công tác này. Đó cũng là từ rất nhiều hạn chế của các quy định pháp luật về môi trường trong suốt nhiều năm qua. Nhiều địa phương cũng thiếu sự quan tâm đến vấn đề BVMT; nguồn lực đầu tư cho BVMT của Nhà nước, của các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư còn hạn chế. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về môi trường còn nhiều yếu kém, việc phân công, phân cấp trách nhiệm chưa rõ ràng, thi hành pháp luật chưa nghiêm.

Luật BVMT được áp dụng từ năm 2014, qua 7 năm thực hiện đã bộc lộ rất nhiều hạn chế, có rất nhiều quy định liên quan đến các bộ luật khác, trong đó nhiều vấn đề chồng chéo, gây khó khăn cho quá trình thực thi. Chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về BVMT còn phân tán, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, đơn vị liên quan trong BVMT thiếu chặt chẽ. Năng lực, kinh nghiệm, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ quản lý BVMT của cán bộ môi trường chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là ở cấp huyện, cấp xã.

KIM PHƯỢNG

Báo cáo của Sở TN-MT, kết quả ước tính tổng khối lượng chất thải rắn chăn nuôi trên địa bàn nông thôn tỉnh Bạc Liêu đến nay vào khoảng 3.989 tấn/ngày sẽ gây áp lực lớn đối với TN-MT nước.
Số lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng hàng năm trên địa bàn tỉnh khá cao, cụ thể lượng phân bón sử dụng năm 2017 là 68.037 tấn, năm 2018 là 74.842 tấn, năm 2019 là 66.812 tấn. Lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng năm 2017 là 1.104 tấn, năm 2018 là 2.313 tấn, năm 2019 là 2.397 tấn.
Diễn biến chất lượng nước mặt trên địa bàn tỉnh từ năm 2016 - 2020 đang thay đổi theo hướng ngày càng ô nhiễm hơn. Cụ thể, chỉ số chất lượng nước trung bình tính trên 18 vị trí quan trắc trong đợt 1 năm 2016 thì thang đo giá trị VN-WQI là 76 điểm (mức tốt) thì đến đợt 1 năm 2020 chỉ số chất lượng nước trung bình trong thang đo giá trị VN-WQI chỉ còn là 55 điểm (mức trung bình). 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.