Giải quyết các vấn đề môi trường - Từ cuộc sống đến pháp lý
>> Bài 2: Tạo môi trường pháp lý vững chắc để bảo vệ môi trường
Bài cuối: Những giải pháp đưa Luật Bảo vệ môi trường đi vào cuộc sống
Với quá nhiều bất cập, vướng mắc, Luật BVMT hiện hành có hàng loạt vấn đề luật quy định nhưng trên thực tế lại khó đi vào cuộc sống. Bài toán làm sao để không đánh đổi môi trường trong phát triển kinh tế cũng như quản lý môi trường như thế nào để không kìm hãm sự phát triển thật không dễ dàng. Bạc Liêu đã và đang có nhiều mô hình mới, cách làm hiệu quả hướng tới BVMT, qua đó tạo tiền đề chuẩn bị cho Luật BVMT 2020 sớm đi vào cuộc sống.
Lấy rác đổi gạo
Qua gần một năm thí điểm mô hình lấy rác đổi gạo tại xã Tân Phong (TX. Giá Rai) đã mang lại hiệu quả trong công tác BVMT, người dân nông thôn dần có ý thức hơn về việc phân loại rác. Mô hình ban đầu khá đơn giản, nhưng hiệu quả xã hội thật sự lớn lao.
Nếu hô hào vận động suông thì rất khó khuyến khích người dân quan tâm, vì những câu chuyện về BVMT vẫn được tuyên truyền hàng ngày nhưng mấy ai làm theo. Đến khi chính quyền phát động phong trào lấy rác thải nhựa đổi gạo, nhiều người mới bắt đầu chú ý. Cứ 1kg rác thải nhựa, hoặc rác tái chế các loại sẽ được đổi lấy 1kg gạo. Tham gia hưởng ứng phong trào đầu tiên là các chi hội Phụ nữ xã, chị em đã phát động và thu gom được hàng tấn rác thải nhựa để đổi lấy gạo, góp phần BVMT nông thôn.
Ban đầu mỗi ấp có một tổ thu gom rác thải nhựa với khoảng 10 thành viên, hiện tại, số lượng thành viên tham gia đã tăng lên từ 15 - 17 người/tổ/ấp. Chị Diệp Thị Tươi (ấp 16A, xã Tân Phong) cho biết, “Mỗi khi ra khỏi nhà, nếu thấy vỏ chai, túi nylon vứt bừa bãi là tôi nhặt về phân loại. Từ khi có phong trào lấy rác đổi gạo, chị em phụ nữ ở đây đã biết phân loại rác chứ không để lộn xộn. Rác nhựa đổi lấy gạo, các loại rác thải còn lại thì cho vào hố đốt để BVMT”.
Nhân rộng thêm nhiều mô hình hiệu quả
Từ mô hình ban đầu thí điểm của xã Tân Phong, nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng mạnh dạn triển khai các mô hình tương tự hướng đến mục tiêu BVMT. Điển hình như tại thị trấn Châu Hưng (huyện Vĩnh Lợi), các đoàn viên - thanh niên (ĐV-TN) thị trấn cũng thực hiện chương trình “Đổi rác thải nhựa lấy quà”. Hình thức thực hiện chương trình này là vận động người dân (hộ nghèo, hộ cận nghèo), ĐV-TN và học sinh thu gom rác thải nhựa trong sinh hoạt tại gia đình hoặc ngoài cộng đồng, mang đến điểm tập trung để đổi lấy gạo, hoặc quà. Ưu tiên đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, còn đối với chi đoàn, ĐV-TN và người dân (không phải là hộ nghèo, cận nghèo) thì gom rác thải nhựa tập trung làm quỹ giúp đỡ ĐV-TN khó khăn.
Từ năm 2019, Sở TN-MT tỉnh cũng đã phát động nhiều phong trào, trong đó có chương trình “Đổi rác lấy cây xanh” thu hút được đông đảo sự tham gia của nhiều tổ, hội và các gia đình. Hàng năm, tỉnh cũng tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như làm vệ sinh thu gom rác thải, dọn dẹp các bãi rác tự phát, các điểm đổ chất thải không đúng nơi quy định làm ô nhiễm môi trường. Khơi thông cống rãnh, xử lý các kênh mương gây ô nhiễm môi trường, dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ, phát quang bụi rậm gần nơi ở, nơi làm việc, nơi công cộng. Phát động và duy trì các phong trào BVMT bằng các hoạt động như Ngày hội tái chế, Ngày hội sống xanh, Ngày thứ Bảy tình nguyện, Ngày Chủ nhật xanh, Ngày không sử dụng túi nylon…
Đặc biệt, tổ chức phát động phong trào chống rác thải nhựa, trong đó tập trung vào việc thu gom, thu hồi các sản phẩm làm từ nhựa, bao bì, túi nylon và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định. Vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại đơn vị tham gia không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường.
Các thành viên tổ thu gom rác nhựa ấp 16A (xã Tân Phong, TX. Giá Rai) mang rác nhựa đi đổi gạo. Ảnh: M.Đ
Luật BVMT 2020 - Đổi mới từ tư duy đến hành động
Một cuộc cách mạng trong thay đổi nhận thức từ việc phân loại rác thải từ nguồn đến xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đánh thuế môi trường bằng cơ chế đóng góp tài chính khi Luật BVMT 2020 có hiệu lực. Theo đó, sẽ thống nhất quản lý nhà nước trong vấn đề môi trường, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện, giải quyết vấn đề chồng chéo của luật hiện hành. Chuyển vai trò của Nhà nước sang vai trò trung tâm cho doanh nghiệp, cộng đồng và người dân.
Song song đó, Luật BVMT 2020 còn đưa các vấn đề BVMT vào các chương trình giảng dạy ở các trường học. Xây dựng hành lang pháp lý về quản lý chất thải rắn theo hướng thống nhất quản lý trên phạm vi cả nước. Xử lý nghiêm, có tính răn đe đối với các hành vi vi phạm, kịp thời tháo gỡ vướng mắc về chính sách pháp luật, giúp các địa phương làm tốt công tác quản lý nhà nước trên địa bàn.
Đặc biệt, nâng cao hiệu quả xử lý chất thải rắn, nhất là chất thải rắn sinh hoạt; triển khai thí điểm và nhân rộng các mô hình quản lý tổng hợp chất thải rắn; mô hình phân loại tại nguồn, phân loại tập trung rác thải sinh hoạt kết hợp tái chế, thu hồi vật chất, năng lượng từ chất thải rắn; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa và túi nylon khó phân hủy.
Kim Phượng - Minh Đạt
-----------------------------------------------------------------------
Đến năm 2024, rác thải nếu không phân loại sẽ không được thu gom và bị xử phạt
Luật BVMT 2020 quy định việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay. Cơ chế thu phí này sẽ góp phần thúc đẩy người dân phân loại, giảm thiểu rác thải phát sinh tại nguồn.
Để bảo đảm tính khả thi của cơ chế này, Luật đã đưa ra một số quy định ràng buộc về thời gian thực hiện. Căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, UBND cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) với thời hạn áp dụng chậm nhất là ngày 31/12/2024. Tại các điểm tập kết rác thải, nếu phát hiện việc phân loại không đúng quy định thì đơn vị thu gom, vận chuyển có quyền từ chối thu gom, vận chuyển và thông báo đến cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xác định hộ gia đình, cá nhân vi phạm và xử lý nghiêm. MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội các cấp vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn. Cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm giám sát việc phân loại CTRSH của các hộ gia đình, cá nhân. UBND cấp xã có trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ, xử lý hoặc chuyển cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý CTRSH theo quy định.
Ngoài ra, rác thải sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân khu vực nông thôn sau khi phân loại được khuyến khích tận dụng tối đa lượng chất thải thực phẩm làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi để phù hợp với điều kiện nông thôn tại Việt Nam.
- Sở LĐ-TB&XH: Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và người lao động năm 2025
- Hồng Dân, Đông Hải triển khai nhiệm vụ đầu năm 2025
- Họp Tiểu ban Hậu cần, Lễ tân, An ninh trật tự phục vụ Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025
- Hơn 24,7 tỷ đồng hỗ trợ cho khuyến học, khuyến tài
- Tăng cường đấu tranh với các tệ nạn trá hình trong lễ hội tháng Giêng