Hiểu đúng về xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản

Thứ Hai, 21/04/2025 | 16:28

Tài sản thuộc sở hữu toàn dân theo quy định của Bộ luật Dân sự là “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Đây là vấn đề người dân quan tâm, nhất là việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản toàn dân.

Giám sát tình hình quản lý, sử dụng đất công trên địa bàn huyện Phước Long. Ảnh: K.K

CÁC LOẠI TÀI SẢN ĐƯỢC XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU TOÀN DÂN

Nghị định 77 vừa được Chính phủ ban hành quy định thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân. Theo đó, Nghị định 77/2025 chỉ rõ 9 loại tài sản thuộc sở hữu toàn dân.

Đó là các loại tài sản bị Nhà nước tịch thu theo quy định của pháp luật, như tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, hình sự; bất động sản vô chủ; tài sản bị đánh rơi, bỏ quên; tài sản là di sản không có người thừa kế; tài sản là hàng hóa tồn đọng được lưu giữ lại khu vực cảng, kho, bãi thuộc địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan; tài sản do chủ sở hữu tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước; tài sản do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao không bồi hoàn cho Nhà nước Việt Nam theo cam kết sau khi kết thúc thời hạn hoạt động; tài sản được đầu tư theo phương thức đối tác công tư được chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam theo hợp đồng dự án; tài sản bị chôn giấu, bị vùi lấp, chìm đắm mà không có hoặc không xác định được chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.

Chủ thể có quyền đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân rất đông. Vì vậy cần phải có một chủ thể đứng ra đại diện và thống nhất quản lý tài sản, chủ thể đó chính là Nhà nước. Nhà nước là đại diện và thống nhất quản lý các tài sản chung thuộc sở hữu toàn dân. Nhà nước đại diện cho Nhân dân thực hiện quyền trong phạm vi lợi ích của Nhân dân, theo quy định của pháp luật.

CÔNG KHAI, MINH BẠCH KHI XÁC LẬP TÀI SẢN TOÀN DÂN

Một vấn đề nữa mà người dân quan tâm đến tài sản thuộc sở hữu toàn dân, chính là sự công khai, minh bạch. Các nguyên tắc xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và quản lý, xử lý tài sản để Nhân dân cùng biết, cùng kiểm tra.

Việc xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản theo quy định mới phải bảo đảm trình tự, thủ tục của pháp luật trên cơ sở bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân có liên quan. Việc xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được thực hiện công khai, minh bạch; mọi hành vi vi phạm phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản sau khi cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân tiếp nhận hoặc mua tài sản được thực hiện theo quy định của các pháp luật có liên quan.

Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân phải được kê khai, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công để quản lý thống nhất. Kể từ ngày có quyết định tịch thu hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản của người có thẩm quyền hoặc ký hợp đồng tặng cho hoặc hợp đồng chuyển quyền sở hữu khác quy định tại Điều 223 Bộ luật Dân sự, đơn vị chủ trì quản lý tài sản thực hiện báo cáo kê khai, cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc xử lý tài sản theo phương án xử lý của cơ quan, người có thẩm quyền, đơn vị chủ trì quản lý tài sản thực hiện cập nhật kết quả xử lý tài sản vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công. Cơ quan quản lý tài sản công có trách nhiệm báo cáo về tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

KIM KIM

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.