Hiệu quả từ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam
Cùng với việc không ngừng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), đưa pháp luật vào cuộc sống trở thành yêu cầu cấp thiết, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và hiệu quả với nhiều hình thức, biện pháp phù hợp. Ngày Pháp luật là một trong những hình thức, biện pháp, là một mô hình triển khai cụ thể nhằm đáp ứng yêu cầu đó.
Đại biểu tham dự Lễ trao giải cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu pháp luật về nông thôn mới và chuẩn tiếp cận pháp luật. Ảnh: K.P
Luật PBGDPL năm 2012 quy định ngày 9/11 hàng năm là Ngày Pháp luật với dấu mốc đây là ngày ban hành bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta. Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với mục đích, ý nghĩa là nâng cao hiệu quả xây dựng, PBGDPL và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Xây dựng Nhà nước pháp quyền đòi hỏi việc nâng cao mạnh mẽ nhận thức pháp luật của cán bộ, người dân, thể hiện thái độ của các thành viên trong xã hội đối với kỷ cương, pháp luật; là sự đánh giá và ghi nhận tính công bằng của pháp luật. Pháp luật chỉ có thể trở thành công cụ điều chỉnh tốt nhất hành vi khi được chấp nhận, chấp hành một cách tự nguyện, thật sự trở thành nhu cầu tự thân, có ý thức của mỗi người. Bởi thế, PBGDPL được coi là khâu đầu tiên của việc thi hành pháp luật, là cầu nối để đưa pháp luật đi vào cuộc sống. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm động viên toàn dân đoàn kết, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật, tự giác chấp hành Hiến pháp, pháp luật, tích cực tham gia bảo vệ pháp luật.
Đối với việc thi hành pháp luật, tổ chức Ngày Pháp luật nhằm động viên toàn xã hội thi hành pháp luật nghiêm minh, công bằng, thống nhất; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tội phạm, tham nhũng; quan tâm giải quyết khiếu nại, tố cáo; xây dựng nền hành chính trong sạch, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động hành chính, từ đó nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, khả năng thực thi pháp luật trong mọi hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động kinh tế - xã hội và sinh hoạt hàng ngày của Nhân dân.
Với mục đích ý nghĩa đó, hàng năm Sở Tư pháp đã triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng làm cho Ngày Pháp luật trên địa bàn tỉnh ngày càng được lan tỏa sâu rộng. Các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã triển khai rất nhiều hoạt động thiết thực và có ý nghĩa nhằm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật. Trong Tháng cao điểm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11/2024), Sở Tư pháp triển khai nhiều hoạt động như: Tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về nông thôn mới và chuẩn tiếp cận pháp luật” năm 2024 với 19.615 lượt thí sinh tham gia dự thi; tổ chức treo 150 băng-rôn tuyên truyền về Ngày Pháp luật tại các trục đường chính trên địa bàn TP. Bạc Liêu; tổ chức Hội nghị trực tuyến từ tỉnh đến 7 đơn vị cấp huyện và 64 đơn vị cấp xã hưởng ứng Ngày Pháp luật và triển khai văn bản mới với hơn 2.000 đại biểu tham dự; cấp phát hàng ngàn tờ gấp pháp luật và tài liệu tuyên truyền, PBGDPL…
Việc triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam thời gian qua đã góp phần lan tỏa tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trong xã hội; nâng cao hiểu biết pháp luật của cán bộ, Nhân dân, đề cao giá trị pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, hướng thái độ xử sự đúng pháp luật, tuân theo Hiến pháp và pháp luật.
HỒNG QUANG
(Sở Tư pháp)
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt: Nhiệm kỳ tới, huyện Hồng Dân sẽ khác xa so với hiện tại
- Bạc Liêu tham gia gian hàng trưng bày tại Tuần lễ sản phẩm OCOP 2024 ở TP. Hồ Chí Minh
- Trao giải Cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu pháp luật về nông thôn mới và chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2024
- Hiệu quả từ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam
- Hành vi mua bán thuốc lá điếu nhập lậu sẽ bị pháp luật xử phạt như thế nào?