Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh
Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (DN) tại Bạc Liêu luôn được đẩy mạnh trong thời gian qua. Việc triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ đạo từ Trung ương và địa phương đã và đang giúp cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN vượt qua các thách thức pháp lý và tăng cường khả năng cạnh tranh.
Diễn đàn trực tuyến “Kinh doanh và pháp luật” năm 2024 tại điểm cầu tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: K.P
NHIỀU BIỆN PHÁP CỤ THỂ HÓA ĐỀ ÁN
Hiện tỉnh Bạc Liêu đã triển khai các biện pháp cụ thể nhằm hiện thực hóa Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho DN giai đoạn 2021 - 2030”. Trong đó có Quyết định 553, ngày 27/3/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa giai đoạn 2020 - 2024. Đây là một chương trình dài hạn, tập trung vào việc hỗ trợ pháp lý cho các DN nhỏ và vừa - nhóm DN thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận các thông tin pháp luật cũng như trong việc thực hiện các thủ tục pháp lý phức tạp.
Đầu năm 2024, Sở Tư pháp với vai trò là cơ quan chủ trì trong công tác hỗ trợ pháp lý cho DN, đã trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 16 về triển khai thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho DN vừa và nhỏ. Với mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác hỗ trợ pháp lý, kế hoạch đề ra nhiều biện pháp thiết thực, từ việc tổ chức các buổi tư vấn pháp lý, các hoạt động phổ biến kiến thức pháp luật cho đến việc xây dựng các kênh thông tin để hỗ trợ DN tiếp cận nhanh chóng và hiệu quả với các văn bản pháp luật. Các hoạt động này không chỉ giúp các DN nhỏ và vừa tuân thủ đúng pháp luật mà còn hỗ trợ giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình hoạt động, từ đó giúp các DN yên tâm phát triển và mở rộng kinh doanh.
NHỮNG ĐIỂM NHẤN TRONG HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DN
Một trong những điểm nhấn trong công tác hỗ trợ pháp lý cho DN là việc phối hợp chặt chẽ giữa Sở Tư pháp và Hiệp hội DN tỉnh được duy trì hơn 3 năm qua. Việc phối hợp đã mang lại những kết quả tích cực, giúp giải quyết nhanh chóng các vướng mắc pháp lý của DN và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của cộng đồng DN tại địa phương. Việc duy trì và phát triển sự hợp tác giữa các cơ quan nhà nước và DN chính là chìa khóa để đảm bảo các chính sách pháp lý được thực hiện một cách hiệu quả và đồng bộ.
Công tác truyền thông và cung cấp thông tin pháp luật đến DN thông qua kênh thông tin trên cổng thông tin điện tử của tỉnh. Bên cạnh đó, mô hình “Cà phê doanh nhân” tiếp tục được duy trì và phát huy hiệu quả. Đây là nơi lãnh đạo tỉnh gặp gỡ, lắng nghe và trao đổi trực tiếp với DN, qua đó giải quyết các khó khăn, vướng mắc về pháp lý của DN. Để cung cấp các tài liệu cho DN, Sở Tư pháp tiếp tục biên soạn các tài liệu như sổ tay pháp luật, tờ gấp về các quy định pháp lý liên quan đến hoạt động kinh doanh; các chuyên mục trên các cơ quan báo chí cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến kiến thức pháp luật, giúp cộng đồng DN nâng cao nhận thức và hiểu biết về pháp luật.
Để duy trì và mở rộng các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN, cần tăng cường đối thoại giữa chính quyền và DN thông qua các diễn đàn, hội nghị. Đa dạng hóa việc áp dụng công nghệ thông tin, phát triển các ứng dụng trực tuyến để hỗ trợ DN tiếp cận nhanh chóng các văn bản pháp luật mới; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, đánh giá và điều chỉnh các chính sách hỗ trợ pháp lý cho DN. Lắng nghe và sớm giải quyết những khó khăn, vướng mắc từ DN liên quan đến các chính sách, pháp luật thì mới cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy sự phát triển của DN.
KIM TUẤN
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế vừa đảm bảo nguồn thu vừa thúc đẩy sản xuất phát triển
- Đại hội trù bị đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024
- Ông Triệu Trung Hiếu được bổ nhiệm Giám đốc BHXH tỉnh
- Khởi động Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và giảm phát thải
- Tỷ phú nuôi nghêu - Huỳnh Mừng Em: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024