Hòa giải tại tòa án:​ Hiệu quả bước đầu

Thứ Tư, 26/10/2022 | 15:17

Hòa giải đối thoại tại Tòa án là bước cuối cùng các bên có thể ngồi lại với nhau trong quá trình hàn gắn những mâu thuẫn, trước khi phải trực tiếp đối đầu khi mở phiên tòa xét xử. Làm tốt công tác hòa giải tại tòa không chỉ giúp giảm tải cho Tòa án trong xét xử mà còn giúp các bên tiết kiệm được chi phí, công sức và thời gian.

Cùng với xu thế phát triển của xã hội, các tranh chấp hành chính, dân sự trên địa bàn tỉnh gia tăng nhanh về số lượng và tính chất phức tạp; nhiều bản án phải xét xử qua nhiều cấp, các bản án có hiệu lực pháp luật nhưng chậm được thi hành ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của tổ chức, cá nhân.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác hòa giải trong giải quyết các tranh chấp dân sự, đối thoại, giải quyết khiếu kiện hành chính nên khi Luật Hòa giải đối thoại tại tòa án có hiệu lực thi hành, lãnh đạo Tòa án nhân dân (TAND) 2 cấp của tỉnh Bạc Liêu đã phân công các cán bộ chủ chốt chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị thực hiện nhanh chóng, kịp thời đưa quy định trên đi vào thực tiễn. Không chỉ tuyên truyền về chủ trương, ông Đặng Quốc Khởi - Chánh án TAND tỉnh còn cho biết, Ban cán sự Đảng TAND tỉnh đã tranh thủ với Thường trực Tỉnh ủy, chấp thuận đưa công tác lãnh đạo, chỉ đạo thi hành Luật Hòa giải đối thoại tại tòa án vào công tác cải cách tư pháp, để nâng cao hiệu quả hoạt động trong thời gian tới.

Quang cảnh buổi tập huấn nghiệp vụ cho hòa giải viên cấp tỉnh. Ảnh: K.P

Ngày 1/1/2021, các Trung tâm hòa giải của TAND 2 cấp đi vào hoạt động. Việc huy động các hòa giải viên (HGV) là những người từng là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, hội thẩm nhân dân hoặc cán bộ nghỉ hưu có uy tín, có kỹ năng, có phương pháp hòa giải tốt, nhiệt tình được chính TAND tỉnh chủ trương áp dụng. Đó cũng là nguyên nhân khách quan giúp các Trung tâm đi vào hoạt động và đạt được hiệu quả bước đầu. Bên cạnh đó, cũng cần ghi nhận sự đầu tư về cơ sở vật chất cho các phòng hòa giải của Tòa án. Điển hình như tại TAND TP. Bạc Liêu, TAND huyện Vĩnh Lợi, lãnh đạo TAND tại các nơi này đã rất chú trọng đến việc bố trí, sắp xếp phòng làm việc của HGV, quan tâm đến công việc của từng HGV. Chỗ nơi làm việc thuận tiện, trang thiết bị đảm bảo đã góp phần đáng kể khi các HGV tiếp xúc với đương sự, đáp ứng công việc hiệu quả nhất.

Từ tháng 1/2021 - tháng 9/2022, các Trung tâm hòa giải đối thoại trong tỉnh tiếp nhận 1.535 vụ việc, số lượng vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành là 1.040, đây là một con số rất đáng ghi nhận. Kết quả này thể hiện vai trò của HGV rất cao. Bởi HGV chính là người đóng vai trò chủ đạo và dẫn dắt nội dung hòa giải, cách thức hòa giải linh hoạt đối với từng vụ việc. Từ đó mới tạo được sự tin tưởng của các đương sự, để cuối cùng họ tự nguyện hòa giải.

Đến nay, TAND tỉnh Bạc Liêu đã tuyển chọn bổ nhiệm 53 HGV, tất cả đều có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm, được lựa chọn kỹ và được tập huấn đảm bảo yêu cầu. Đội ngũ này cũng chính là cầu nối, qua đó tháo gỡ nhiều vướng mắc, mâu thuẫn mà trước đó, các đương sự, tổ chức, thậm chí là với chính quyền chưa có tiếng nói chung.

KIM TUẤN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.