Hụi và... nước mắt
Phiên tòa xét xử bị cáo Ong Thị Bích Ngọc - chủ hụi - với tội danh bị truy tố là “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thu hút rất nhiều bị hại ngồi kín 2 dãy khán phòng xét xử của TAND tỉnh Bạc Liêu. Bị cáo với gương mặt phờ phạc, ánh mắt thất thần luôn luôn cúi gầm xuống. Các bị hại phần nhiều là phụ nữ, người với ánh mắt đầy lo âu, người thì cầm cả xấp giấy tờ không biết sau phiên xử mình sẽ lấy lại được gì.
Các bị hại trong vụ án Ong Thị Bích Ngọc làm chủ hụi. Ảnh: K.P
Nước mắt của bị cáo, nước mắt của rất nhiều bị hại càng khiến phòng xử án thêm bức bối. Và đây không phải là phiên tòa xét xử các bị cáo phạm tội liên quan đến lừa đảo hụi duy nhất.
Với số tiền lừa đảo hơn 15 tỷ đồng, bị cáo Ngọc bị tuyên mức án 19 năm tù. Có tới 144 bị hại, hầu hết đều là người cùng quê của bị cáo. Nhiều trong số đó là những người phụ nữ nông dân lam lũ ở các vùng quê. Họ chắt bóp tiền từ các vụ lúa, tiền bán nông sản, tiền đi làm thêm để đóng hụi cho bị cáo, những mong tích cóp được số tiền để sửa lại nhà, để dành mua thêm vận dụng có giá trị, để cho con đi học… Chỉ trong phút chốc, khi bị cáo Ngọc lánh mặt và tuyên bố bể hụi, thì coi như họ trắng tay. Cả một vùng quê (xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi) như có sóng ngầm. Nhà nhà, người người thất thần vì số tiền họ đóng cho bị cáo Ngọc gần như mất trắng. Người ít thì vài chục triệu, người nhiều lên đến hàng trăm triệu đồng.
Bị cáo Ngọc bắt đầu làm chủ hụi và mở nhiều dây hụi có lãi rồi kêu gọi nhiều người sinh sống tại địa bàn các xã Long Thạnh, Châu Thới, Vĩnh Hưng A, thị trấn Châu Hưng (huyện Vĩnh Lợi); Minh Diệu (huyện Hòa Bình) và TP. Bạc Liêu tham gia các dây hụi để hưởng hoa hồng. Quá trình làm chủ hụi, bị cáo đã sử dụng tiền đóng hụi của hụi viên chi xài cá nhân và lấp hụi dẫn đến mất cân đối nên thực hiện hành vi gian dối chiếm đoạt tiền của các hụi viên.
Không chỉ bị cáo Ngọc, mà cả chị của Ngọc là bị cáo Ong Thị Kim Lợi cũng làm chủ hụi, cũng giật hụi và bị bắt giữ, bị TAND tỉnh đưa ra xét xử trước bị cáo Ngọc 1 ngày với mức hình phạt 15 năm tù. Các bị cáo khóc đã đành, bởi những gì các bị cáo thực hiện rõ ràng là vi phạm pháp luật. Những giọt nước mắt dù có hối hận thì cũng phải trả giá cho hành vi lừa đảo từ việc mở hụi để ăn tiền hoa hồng, trở thành những “siêu lừa” khi lên dây hụi khống, bán hụi, hốt hụi khống lấy tiền người dân.
Nhưng xót xa nhất vẫn là hàng trăm bị hại, họ - cho đến khi phiên tòa kết thúc vẫn cứ còn ngơ ngác. Bởi với bản án tuyên trả lại tiền cho các bị hại, đúng với số tiền mà bị cáo lừa đảo là thật, có giấy trắng mộc đỏ. Nhưng làm sao để lấy lại được khoản tiền đã mất đó thì hãy còn là một câu chuyện dài.
Bởi bị cáo không còn tài sản gì (có thể đã tẩu tán hết, cũng có thể đã bán trừ nợ…) mới tuyên bố vỡ hụi và đem thân “ở tù trừ”. Như vậy, dù án có tuyên nhưng bị cáo đã mang thân tù tội, ngày ra tù còn hơn chục năm ròng. Số tiền buộc phải trả chẳng biết dựa vào đâu, nhiều bị hại lơ ngơ đi hỏi thăm, làm sao để thi hành án? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ…
KIM TUẤN