Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam: Tôn vinh Hiến pháp, pháp luật

Thứ Tư, 02/11/2022 | 14:55

Theo Điều 8 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) năm 2012 quy định: “Ngày 9/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”.

Cụ thể hóa điều này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 28 quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương trong tổ chức triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam. Trong đó, Bộ Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật trong phạm vi cả nước. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp hướng dẫn về nội dung, hình thức và có trách nhiệm tổ chức Ngày Pháp luật; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hướng dẫn nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật cho các tổ chức thành viên.

Theo quy định của Luật PBGDPL, Ngày Pháp luật được tổ chức để tôn vinh Hiến pháp, pháp luật; đồng thời, tăng cường nhận thức cho mọi người về vai trò của luật pháp trong đời sống, tăng cường sự hiểu biết pháp luật và khả năng thực thi pháp luật trong hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động kinh tế - xã hội và sinh hoạt hàng ngày của người dân. Thông qua Ngày Pháp luật giúp mọi tổ chức, cá nhân, công dân có ý thức tuân thủ pháp luật tốt hơn, là dịp để đánh giá lại những kết quả đã đạt được và những hạn chế trong hoạt động xây dựng, thực thi pháp luật. Đây cũng là cơ hội để tổ chức nhiều hoạt động PBGDPL cho cộng đồng thông qua những cách thức khác nhau. Qua đó, những người thi hành pháp luật cũng sẽ nhận được những thông tin phản hồi, những quan điểm đánh giá về tất cả các quy định pháp luật cũng như cách thức thực hiện, hiệu quả của hệ thống pháp luật đối với đời sống xã hội. Từ đó hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật, cũng như cải thiện, nâng cao hoạt động của hệ thống tư pháp.

Treo băng-rôn tuyên truyền Ngày Pháp luật trên các tuyến đường chính của TP. Bạc Liêu.

Trên thế giới, hiện có nhiều nước tổ chức Ngày Pháp luật hay Ngày Hiến pháp như một ngày hội để thượng tôn pháp luật, tôn vinh Hiến pháp - đạo luật gốc của mỗi quốc gia. Hiện có khoảng 40 quốc gia lấy ngày ký, ban hành hoặc thông qua Hiến pháp để hàng năm tổ chức kỷ niệm Ngày Hiến pháp của mình. Trong ngày này, các luật gia, luật sư và các hiệp hội nghề nghiệp về luật tổ chức nhiều hình thức PBGDPL trong cộng đồng nhằm tăng cường hơn nhận thức của Nhân dân, học sinh - sinh viên về vị trí, vai trò tối thượng, không thể thay thế của Hiến pháp, pháp luật trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội; đặc biệt là về các giá trị tự do, dân chủ, công lý, công bằng.

Ở Việt Nam cũng tương tự, Ngày Pháp luật là ngày ban hành bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta năm 1946, khởi đầu cho tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hiến pháp năm 1946 đã thấm nhuần, thể hiện triệt để tinh thần, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, là sự khẳng định mạnh mẽ các giá trị dân chủ, dân quyền, thượng tôn pháp luật. Các giá trị đó vẫn còn tồn tại bền vững cho đến ngày hôm nay và tiếp tục được kế thừa trong các bản Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992.

Ngày Pháp luật không chỉ giới hạn trong ngày 9/11 mà được coi là điểm mốc, là sợi chỉ đỏ kết nối, xuyên suốt, có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư, nhắc nhở, giáo dục mọi người ý thức tôn trọng pháp luật. Mọi tổ chức, cá nhân cần tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật theo khẩu hiệu: “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. 

Bài và ảnh: Phương Thảo

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.