Kê khai tài sản, kiểm soát thu nhập: Góp phần đấu tranh phòng chống tham nhũng

Thứ Sáu, 18/09/2020 | 17:02

Việc kê khai tài sản, kiểm soát thu nhập là biện pháp phòng ngừa tham nhũng hữu hiệu. Từ năm 1998, Nhà nước ta đã thực hiện biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức để phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, việc kê khai của người có chức vụ, quyền hạn còn mang nặng tính hình thức. Số lượng kê khai rất nhiều, nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. Bởi những bản kê khai sau đó để xếp xó, có trung thực hay bất hợp lý cũng không có cơ quan, tổ chức nào đánh giá, kiểm chứng.

Triển khai Luật Phòng chống tham nhũng cho cán bộ, công chức cấp tỉnh. Ảnh: K.K

Mọi dấu hiệu bất thường từ việc kê khai tài sản chủ yếu là do phát hiện từ các cơ quan báo chí hay sự phát giác của quần chúng nhân dân. Thậm chí, khi đã có dấu hiệu vi phạm thì việc tiến hành thẩm tra xác minh cũng qua nhiều tầng nấc, điều kiện khó khăn và những người tiến hành xác minh cũng thiếu tính chuyên nghiệp, và khả năng phát hiện vấn đề chưa cao.

Tại Bạc Liêu cũng tương tự, không ít trường hợp báo chí phản ánh cán bộ cất biệt phủ, có đất đai ở những vị trí đắt địa mà nếu làm thử một phép tính từ tiền lương, thu nhập thực tế thì cả đời cũng chưa chắc có được. Người dân nhìn vào cũng dễ dàng thấy được sự vô lý, thế nhưng, hàng năm những cán bộ này vẫn đường hoàng vượt qua những kỳ kê khai tài sản, kiểm soát thu nhập. Bởi nếu không bị ai kiện thưa thì ở các cơ quan, đơn vị cũng không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ vấn đề này.

Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi đã quy định việc quản lý bản kê khai tài sản, thu nhập một cách tập trung. Theo đó, cơ quan, đơn vị quản lý tập trung bản kê khai là cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai thuộc thẩm quyền. Cơ quan, đơn vị này có địa vị pháp lý “độc lập tương đối” với cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai. Điều này giúp cho việc theo dõi, giám sát và kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai hiệu quả hơn, qua đó kịp thời xác minh để phát hiện, xử lý tham nhũng.

Luật cũng sửa đổi theo hướng, tất cả cán bộ, công chức (gồm những người mới được tuyển dụng), sĩ quan quân đội, công an và người giữ chức vụ từ phó phòng trở lên tại các đơn vị sự nghiệp công lập đều phải kê khai tài sản, thu nhập. Đây là nhóm kê khai lần đầu. Diện phải kê khai hàng năm thu hẹp hơn, gồm người giữ chức vụ từ giám đốc sở trở lên, người làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc với người dân.

Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có quyền chủ động quyết định việc xác minh mà không nhất thiết phải đề nghị, yêu cầu hay được sự đồng ý của cơ quan nào khác. Thậm chí Luật còn quy định cả việc xác minh một cách ngẫu nhiên mà không cần bất kỳ điều kiện nào, để tạo ra sự công bằng cũng như đề cao tính tự giác, trung thực của người kê khai. Dự thảo Nghị định dự kiến tỷ lệ xác minh ngẫu nhiên sẽ từ 10 - 20% trong một năm. Một vấn đề khá quan trọng là quy định công khai, nhiều ý kiến cho rằng, nên công khai bằng hình thức niêm yết tại cơ quan hơn là chỉ công khai tại các cuộc họp nội bộ, vì công khai ở các cuộc họp vẫn nặng tính hình thức, kém hiệu quả và trên thực tế cũng ít được thực hiện.

Hiện tại, người dân đang rất mong chờ Chính phủ sớm ban hành Nghị định kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Bên cạnh đó, Chính phủ sớm chủ trì, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của Đảng xây dựng quy chế phối hợp trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập đối với các đối tượng chịu sự kiểm soát tài sản, thu nhập của nhiều cơ quan khác nhau. Có như thế thì Luật Phòng chống tham nhũng mới thật sự đạt được hiệu quả đấu tranh phòng chống tham nhũng như mong đợi.

KIM KIM

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.