Khi cán bộ không biết giữ mình
Ngày 1/11, TAND TP. Bạc Liêu đưa vụ án “Tàng trữ trái phép chất ma túy” do lực lượng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh phát hiện trên đường Ninh Bình vào tháng 2/2023 ra xét xử sơ thẩm. Vụ án được chú ý nhiều khi một trong 2 bị cáo nguyên là công chức địa chính của một phường trên địa bàn TP. Bạc Liêu.
TAND TP. Bạc Liêu xét xử các bị cáo phạm tội trộm cắp, tàng trữ ma túy theo hình thức trực tuyến. Ảnh: K.P
Thông tin một công chức địa chính của phường dính đến việc sử dụng ma túy, thậm chí bị bắt, bị khởi tố về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy khiến nhiều người ngỡ ngàng. Chưa nói đến quy định pháp luật, chỉ tính ở góc độ đạo đức, tư cách của một cán bộ nhà nước, thì hành vi sử dụng, tàng trữ chất cấm như chất ma túy cũng đã là không thể chấp nhận. Người ta có thể nói một người dân, một đối tượng nào đó thiếu hiểu biết pháp luật, hay nhận thức pháp luật còn hạn chế nên vi phạm pháp luật, nhất là các nhóm tội phạm liên quan đến tệ nạn xã hội, trật tự xã hội, trong đó có nhóm tội phạm liên quan đến ma túy và các chất gây nghiện. Nhưng để một cán bộ nhà nước dính líu đến loại tội phạm này thì khó mà biện minh bằng việc nhận thức pháp luật hạn chế.
Khoảng 16 giờ ngày 4/2/2023, bị cáo Trần Quang Thái (lúc này đang là công chức địa chính của một phường trên địa bàn TP. Bạc Liêu) rủ một số bạn bè đi hát karaoke ở khu vực khóm 3 (Phường 2, TP. Bạc Liêu). Đến khoảng 23 giờ 30 phút cùng ngày, bị cáo Thái chở theo bị cáo Trần Quốc Duy về nhà có mang theo túi vải màu đen đựng ma túy, khi đến đường Ninh Bình (khóm 4, Phường 2, TP. Bạc Liêu) thì bị lực lượng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh kiểm tra, phát hiện túi màu đen của Thái có cất giấu nhiều túi nylon, bên trong nghi chứa ma túy ở nhiều dạng như viên nén, tinh bột… nên đã bàn giao cho Công an Phường 2 lập biên bản bắt người phạm tội quả tang. Quá trình giữ người và phương tiện, các cơ quan tiến hành tố tụng còn phát hiện, cả 2 đối tượng đều nghiện ma túy. Điều này đồng nghĩa với việc, bị cáo Thái - tại thời điểm làm công chức địa chính của phường đã là con nghiện ma túy.
Kết quả điều tra xác định, vào lúc đi hát karaoke, bị cáo Thái vì muốn sử dụng ma túy, đã nhờ bị cáo Duy đi mua ma túy về sử dụng trong lúc hát karaoke và trong nhà vệ sinh. Sau khi sử dụng xong, các bị cáo còn mang số ma túy mua dư về để dùng dần. TAND TP. Bạc Liêu kết luận, hành vi của 2 bị cáo Thái và Duy phạm vào tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”, tội danh và hình phạt quy định tại điểm i khoản 1 Điều 249, Bộ luật Hình sự. Kết quả xét xử, TAND TP. Bạc Liêu tuyên phạt bị cáo Thái 2 năm tù giam.
Với những đối tượng là con nghiện ma túy trong các nhóm tệ nạn xã hội, việc nhận mức án 1, 2 năm tù vì tàng trữ trái phép chất ma túy chẳng là gì. Nhưng với một người được học hành tử tế, là một cán bộ nhà nước, lại bị tuyên án tù vì tàng trữ trái phép chất ma túy thật sự là một bài học quá đắt. Mất công việc, lý lịch bị bôi đen, bản thân nếu không tự nhận thấy sai lầm mà thay đổi thì con đường tương lai không ai dám nói trước sẽ như thế nào.
Nhưng quan trọng nhất còn liên quan đến hình ảnh của một cán bộ nhà nước trước Nhân dân. Sâu xa hơn là bài học đối với công tác quản lý cán bộ của đơn vị, địa phương, vì sao để cán bộ của mình đến mức nghiện ma túy mà không hay biết. Và câu chuyện niềm tin của người dân đối với công chức, viên chức sẽ như thế nào khi lại bị bắt vì nghiện ma túy, tàng trữ sử dụng ma túy, tham gia các cuộc ăn chơi thâu đêm kèm sử dụng ma túy?!
KIM PHƯỢNG