Khi người thân thành... người dưng

Thứ Sáu, 21/08/2020 | 17:27

Có những câu chuyện, khởi phát ban đầu là những mâu thuẫn trong gia đình mà sau đó, phải cần đến cả những cơ quan chức năng để tham gia giải quyết, từ vận động hòa giải đến ban hành các quyết định, bản án xét xử. Trong khi nhiều người ngoài cuộc, những người tham gia giải quyết vụ việc đều cảm thấy bất nhẫn, ray rứt thì người trong cuộc lại tỏ ra thờ ơ. Là họ vô cảm, thiếu hiểu biết pháp luật hay đã đánh mất cả những thứ vốn đã trở thành truyền thống ăn sâu hàng bao đời của người Việt mình?

Như câu chuyện của bà N. (tên đã được thay đổi) ở huyện H., khiến những người hiểu biết sự việc đều cảm thấy đau lòng khi mẹ con kéo nhau ra tòa, trở mặt còn hơn người dưng. Ban đầu là mẹ vì thương con mà cho con tài sản, cho đất đai, để rồi sau đó, mẹ con trở mặt cũng từ đất đai, tài sản đó. Bởi bà N. nói rằng, bà chỉ cho một phần trong diện tích gần ngàn mét vuông đất, phần còn lại chia cho các con khác. Thế nhưng, xuất phát từ lòng tham, không muốn chia sẻ, người con đã làm giấy tờ hết thửa đất, rồi xây dựng nhà cửa, cơ ngơi trên đất, đến khi người mẹ phát hiện thì mọi chuyện đã rồi.

Từ chuyện nhà, giữa mẹ với con, theo thời gian, những mâu thuẫn khi người con kiên quyết không trả đất lại cho mẹ, đã ngày càng lớn và gay gắt. Đến mức ra tòa, qua bao nhiêu cấp xét xử, vẫn chưa thể thi hành án được. Rồi bao nhiêu cấp chính quyền, đoàn thể, ban ngành phải tham gia giải quyết, tốn bao nhiêu thời gian, giấy mực nhưng câu chuyện vẫn chưa có hồi kết. Giờ người mẹ mất đi trong nỗi ấm ức, giao việc đòi đất lại cho những đứa con khác, vô hình trung lại chuyển mâu thuẫn đó sang anh em ruột thịt với nhau. Nỗi đau từ những giọt máu đào tiếp tục giằng xé.

Chưa nói đến chuyện pháp lý, nhiều người cũng đau đáu khi tiếp cận những vụ việc kiểu này. Dù giải quyết theo hướng nào, nếu không giải tỏa được mâu thuẫn giữa mẹ và con, giữa anh em với nhau thì vẫn chẳng có được kết quả mỹ mãn. Bởi nếu áp dụng bằng pháp luật, sau thi hành án, chắc chắn mẹ con bà N. không còn cách gì nhìn mặt nhau. Ở góc độ đạo đức xã hội, ít ai chia sẻ cảm thông được với người con, khi mà tài sản ban đầu cũng là do mẹ cho mình. Con mà tranh giành tài sản, đưa mẹ ra tòa thì sao gọi là con có đạo hiếu. Mà những trường hợp mẹ con, anh em ruột thịt vì tranh chấp đất đai, tài sản mà trở mặt không nhìn nhau, đáng tiếc thay, đã không còn là những câu chuyện hiếm.

Trong buổi làm việc gần đây nhất của Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao - Nguyễn Hòa Bình với TAND 2 cấp tỉnh Bạc Liêu, nói về những trường hợp giải quyết án tranh chấp trong nội bộ thân tộc, lãnh đạo TAND Tối cao đã nhấn mạnh đến một vấn đề, đó là đạo đức, là tình thân và việc nên tăng cường, chú trọng hòa giải tại tòa án. Vấn đề hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ thân tộc nên được quan tâm sâu sát hơn, nhất là khi hiện nay, chúng ta sắp hình thành Trung tâm hòa giải tại tòa theo Luật Hòa giải đối thoại tại tòa án sắp có hiệu lực (ngày 1/1/2021). Tránh để những tình trạng như trường hợp của mẹ con bà N. đến mức giải quyết bằng bản án, thi hành án, cưỡng chế thi hành án. Vì nếu như thế, bên cạnh lý, chữ tình trong những câu chuyện này thường kết thúc trong sự day dứt, mặc cảm khi thân tộc phải đấu đá nhau, người thân còn thua người dưng, thậm chí giải quyết bằng cả bạo lực.

KIM PHƯỢNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.