Khi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thiếu quyết đoán
Khiếu nại, tố cáo (KN, TC) là quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp. Do đó, công tác giải quyết KN, TC luôn được các ngành, các cấp trong tỉnh quan tâm thực hiện theo đúng quy định pháp luật, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của công dân. Tuy nhiên, việc giải quyết KN, TC cũng cần theo đúng quy định pháp luật, tránh tình trạng cứ dễ dãi, nể nang rồi khiến nhiều vụ việc cứ kéo dài không có điểm dừng.
Một buổi tiếp công dân của lãnh đạo UBND tỉnh tại huyện Vĩnh Lợi. Ảnh: P.V
Trong nhiều lần lãnh đạo tỉnh tiếp công dân tại các địa phương, một trong những điều khiến nhiều người cảm thấy ngạc nhiên là, những trường hợp được đưa vào danh sách để lãnh đạo tỉnh tiếp công dân luôn là những gương mặt quen thuộc đến mức khó hiểu. Họ là những trường hợp khiếu nại tồn đọng, từ năm này qua năm khác, mà không cần biết là việc khiếu nại đó được giải quyết tới đâu, đúng hay sai, đã chấm dứt hay chưa.
Trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi đã nhiều lần chứng kiến tại các buổi tiếp công dân ở khắp các địa phương trong tỉnh, gần 80% các trường hợp đều là những người khiếu nại dai dẳng, quen thuộc đến mức khó tin với tất cả những cơ quan nhà nước có chức năng tiếp công dân, giải quyết KN, TC từ cấp cơ sở đến tỉnh.
Đáng nói hơn, nhiều trong số các trường hợp này đều đã được các cơ quan cấp tỉnh giải quyết rất nhiều lần, giải quyết hết mọi thứ theo hướng có lợi nhất cho công dân, nhưng cứ như kiểu, càng khiếu nại càng được lợi, nên không ít trường hợp công dân dựa vào lý do này mà tiếp tục khiếu nại. Hoặc đối với những trường hợp không có cơ sở giải quyết, cấp có thẩm quyền đã bác đơn, có kết luận của Thanh tra Chính phủ, thế nhưng không hiểu bằng cách thức nào, những trường hợp này sau đó vẫn xuất hiện ở các buổi tiếp công dân định kỳ của tỉnh, vẫn có ý kiến những câu chuyện mà không thể giải quyết được gì. Những trường hợp này vừa làm mất thời gian của các cơ quan nhà nước, vừa làm ảnh hưởng đến những trường hợp công dân thật sự cần được gặp lãnh đạo tỉnh... Nhưng quan trọng hơn, là làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước của các cơ quan quyền lực, khiến cho không ít người cảm thấy các quyết định của tỉnh, thậm chí là của Trung ương cũng không bằng sự chây ỳ, cố chấp trong KN, TC của không ít công dân.
Nên chăng, đã đến lúc ngay từ giai đoạn thụ lý, các cơ quan được giao trách nhiệm phải sàng lọc thông tin, trả lời dứt khoát với những trường hợp đã không còn thụ lý giải quyết được. Và chịu trách nhiệm với những quyết định của mình, chứ không thể như tình trạng hiện nay, ai cũng ngại trách nhiệm nên không dám quyết đoán, thậm chí không dám từ chối với những trường hợp, dù biết rõ, có gặp gỡ, có tiếp công dân cũng chỉ ngồi nghe lấy có.
P.V