Khi việc sử dụng rượu bia được luật hóa
Vào sáng 14/6/2019, có 84,3% trên tổng số đại biểu Quốc hội đã bấm nút thông qua Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia (PCTHCRB). Đây là dự luật thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, đặc biệt với quy định “đã uống rượu bia thì không điều khiển phương tiện tham gia giao thông”. Chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2020, vấn đề khiến người dân quan tâm là liệu Luật PCTHCRB có kịp thời đi vào cuộc sống?
Kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện giao thông tại TP. Bạc Liêu. Ảnh: Gia Minh
Cấm người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu bia
Luật PCTHCRB gồm 7 chương, 36 điều, quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu bia; nghiêm cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, người làm việc trong lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên uống rượu bia ngay trước, trong giờ làm việc; nghiêm cấm người điều khiển phương tiện giao thông bao gồm cả xe máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; cấm bán rượu bia bằng máy bán hàng tự động… Điều này cũng đồng nghĩa với việc, từ ngày 1/1/2020, tất cả những người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đều phải “nói không” với rượu bia.
Luật PCTHCRB cũng quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông - vận tải trong việc thực hiện biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải uống rượu bia ngay trước và trong khi tham gia giao thông.
Và để đảm bảo tính đồng bộ thì điều khoản thi hành luật cũng đã quy định về việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ theo hướng nghiêm cấm người "điều khiển ô tô, xe mô tô, xe gắn máy, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu, hoặc hơi thở có nồng độ cồn".
Cần sự đồng bộ với các luật khác
Nhiều người lo lắng cho việc liệu Luật PCTHCRB có đi vào thực tiễn hay lại giống như Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá. Bởi trên thực tế, việc quản lý rượu bia trong điều kiện hiện tại là hết sức khó khăn. Và giải pháp quan trọng không chỉ dừng lại ở những quy định của luật này mà phải có sự thống nhất sửa đổi đồng bộ với các luật khác, cũng như cần nâng cao hình thức xử phạt đối với những trường hợp vi phạm. Chẳng hạn như phạt nặng vi phạm khi lái xe uống rượu bia mà điều khiển giao thông, uống rượu bia gây tai nạn giao thông…
Luật PCTHCRB quy định 3 biện pháp chính và một trong những biện pháp được áp dụng là giảm mức tiêu thụ rượu bia bằng việc quản lý việc khuyến mại rượu bia, có độ cồn dưới 15 độ, quản lý việc tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu bia. Đặc biệt, luật còn quy định 7 địa điểm không được uống rượu bia, đó là những địa điểm công cộng mà việc sử dụng rượu bia có thể tác động đến cộng đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến nhóm người dưới 18 tuổi, người bệnh, học sinh, sinh viên... Luật PCTHCRB cũng quy định các biện pháp quản lý đối với sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh, phải cam kết không bán rượu ra thị trường.
Để Luật PCTHCRB sớm đi vào cuộc sống là điều không đơn giản, do đó cần có sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành liên quan. Trong đó tiên quyết vẫn là việc tăng cường truyền thông, tuyên truyền để người dân tiếp cận tốt nhất với các quy định của luật, từ đó thay đổi hành vi của mình trong việc sử dụng bia rượu. Kế đến, phải nghiêm khắc trong xử lý đối với các vi phạm, để hình thành thói quen chấp hành đúng luật.
Kim Phượng
- Nhiều hoạt động hướng về học sinh
- TP. Bạc Liêu: Thực hiện Tết Quân - dân đến hết ngày 24/1
- Phó Chủ tịch nước - Võ Thị Ánh Xuân thăm, tặng quà Tết cho người có hoàn cảnh khó khăn tại Bạc Liêu
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Thăm, chúc tết các đơn vị, cơ sở y tế trên địa bàn TP. Cần Thơ
- Bộ đội Biên phòng gặp mặt báo chí đầu Xuân