“Khổ sở” với điều kiện chuyển nhượng đất trồng lúa

Thứ Hai, 28/02/2022 | 16:50

Chị T.L chuyển nhượng đất vườn tạp trong đó có một phần đất trồng lúa. Nhưng hồ sơ đất của chị gặp vướng với lý do: cả hai vợ chồng chị đều không nằm trong đối tượng trực tiếp sản xuất đất lúa. Hai vợ chồng chị theo hướng dẫn của các cơ quan cấp xã đi lại lòng vòng giữa nơi có đất chuyển nhượng và nơi cư trú của mình để làm các thủ tục xác nhận, hết sức nhiêu khê.

Sở dĩ, vợ chồng chị T.L phải “xấc bấc xang bang” khi đi làm giấy tờ chuyển nhượng đất đai, là vì quy định ràng buộc trong Luật Đất đai liên quan đến đất trồng lúa. Để được chuyển nhượng, người mua đất cần được chính quyền xác nhận là có thu nhập trực tiếp từ đất nông nghiệp. Thế nhưng, UBND nơi có đất nông nghiệp với UBND nơi có hộ khẩu thường trú lại chưa có sự thống nhất về việc xác nhận khiến chị đứng trước nguy cơ không thể nhận chuyển nhượng được.

Trường hợp của chị T.L không phải hiếm. Rất nhiều người muốn mua đất nông nghiệp để canh tác thêm, gia tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, thậm chí họ còn có ý định đầu tư trồng những giống lúa chất lượng cao bằng các phương pháp khoa học tiên tiến nhưng không thể chuyển nhượng đất trồng lúa được. Nhất là khi hiện nay, với máy móc thiết bị hiện đại, người nông dân thời 4.0 đâu còn phải cắm mặt xuống đồng ruộng, họ hoàn toàn có thể vừa làm kinh doanh, vừa làm công việc hưởng lương mà vẫn đảm bảo canh tác tốt. Như vậy, hạn chế về chủ thể được nhận chuyển nhượng thật sự không giúp cho ruộng đất được canh tác tốt hơn, thậm chí nhiều nơi đất trồng lúa còn bị bỏ hoang. Quy định này chỉ khiến cho nhiều người không có điều kiện hoặc không có nhu cầu canh tác đất trồng lúa, muốn chuyển nhượng đất hoặc người thật sự có nhu cầu và muốn nhận chuyển nhượng lại đất trồng lúa để sản xuất nhưng không thể thực hiện bởi họ không phải là người đang trực tiếp sản xuất và có thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp.

Đất trồng lúa luôn được Nhà nước bảo vệ đặc biệt. Ảnh minh họa: K.K

Bên cạnh đó, thực tiễn ở nhiều địa phương đang diễn ra tình trạng người trực tiếp sản xuất nông nghiệp không mặn mà với công việc đồng áng, trong khi đó, nhiều doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân muốn đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp và cần có đất nông nghiệp để thực hiện mong muốn này, nhưng việc tiếp cận quỹ đất nông nghiệp để sản xuất lại rất khó khăn. Quy định này đã cản trở quyền được tiếp cận đất trồng lúa của không ít người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Như bức xúc của chị T.L : “Vợ chồng tôi trước giờ chưa có sản xuất hay canh tác nông nghiệp. Nhưng bây giờ, muốn bỏ phố về quê sống, muốn mở trang trại và sản xuất nông nghiệp. Vậy làm sao để chúng tôi tiếp cận được với đất nông nghiệp để trồng lúa?”.

Có thể thấy, trong giai đoạn hiện nay, lấy điều kiện “trực tiếp sản xuất nông nghiệp” và “có thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp” để hộ gia đình, cá nhân được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa là cứng nhắc, không còn phù hợp với thực tế. Đó là chưa kể, việc khuyến khích sản xuất, trồng lúa theo hướng hiện đại hóa, mở rộng quy mô sản xuất và áp dụng công nghệ cao vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp rất cần những nhà đầu tư có tiềm lực, thông thường ít khi là người trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Thiết nghĩ, vấn đề hiện nay không phải là làm khó, siết chặt người có nhu cầu sử dụng đất nông nghiệp, kể cả đất trồng lúa, mà quan trọng hơn là cách quản lý để người nhận chuyển nhượng đất trồng lúa sử dụng đất đúng mục đích. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên tăng cường giám sát việc thực hiện, trường hợp vi phạm (ví dụ như chuyển đổi sai mục đích) cần phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

KIM KIM

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.