Lừa đảo “chạy án” - cái bẫy dễ mắc

Thứ Sáu, 19/05/2023 | 15:54

Cuối tháng 4 đầu tháng 5/2023, dư luận tại Bạc Liêu lại xôn xao trước thông tin về việc kiểm sát viên Trịnh Út Mười bị Công an tỉnh khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước đó, cũng đã có nhiều người bị cơ quan tiến hành tố tụng xử lý về hành vi tương tự, liên quan đến các vụ hứa hẹn “chạy án”.

Một phiên tòa xét xử vụ lừa đảo “chạy án” tại Bạc Liêu. Ảnh: K.P

Mạo danh để lừa đảo

Theo thông tin điều tra ban đầu, Trịnh Út Mười liên quan đến một vụ việc hứa hẹn “chạy án” cho một người dân, nhận số tiền của họ với cam kết sẽ tác động đến những người tiến hành tố tụng để giải quyết vụ án theo hướng có lợi nhất cho đương sự. Trước hết, Trịnh Út Mười là cán bộ nhà nước, lại đang làm việc tại Viện KSND tỉnh Bạc Liêu, bản thân còn là kiểm sát viên Trung cấp, đây hoàn toàn là sự thật. Do đó, nếu vị này dùng chính những chức danh trên để chứng minh cho những người đang trong vòng tố tụng (có thể là các đương sự, bị can, bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan…) tin tưởng rằng mình có thể xử lý được các vụ “chạy án” thì việc người dân bị lừa là khó tránh khỏi.

Những người dân bình thường, nhận thức pháp luật có giới hạn, sẽ khó phân biệt được vị trí, chức danh làm việc của người này hay người kia, thẩm quyền của họ, có thật sự giải quyết được việc mà họ nhờ cậy hay không. Do đó, chuyện không ít người lợi dụng việc mình công tác trong các cơ quan pháp luật, hoặc chứng tỏ bản thân có mối quan hệ thân thiết với những người tiến hàng tố tụng để thông qua đó nhận thực hiện các vụ “chạy án” trên thực tế không hề ít. Nhiều người vì gia đình đang đứng trước một vụ tranh chấp tài sản, sợ mất nhà, mất đất; hoặc bị can, bị cáo sắp phải lâm vào cảnh tù tội thường lo sợ, mất đi lý trí sáng suốt, dễ bị dẫn dắt và sập bẫy.

Cần nhận biết pháp luật tốt hơn

Cơ quan điều tra phát hiện tội phạm và xác định được hành vi phạm tội của bị can Trịnh Út Mười là từ đơn tố giác tội phạm của người dân do việc hứa hẹn “chạy án” không thành. Câu chuyện như thế này trước đó không lâu, bị cáo Tạ Yến Oanh, một người chỉ mới học xong lớp đào tạo nghề luật sư, chưa hề có thẻ hành nghề luật, chưa được công nhận là luật sư cũng vừa lãnh án 17 năm tù. Oanh cũng thông qua việc được tập sự tại một văn phòng Luật sư đóng trên địa bàn TP. Bạc Liêu, bản thân có trình độ Cử nhân Luật, lại đang hoạt động ở lĩnh vực pháp lý, khoe quen biết với nhiều cán bộ lãnh đạo ở các cơ quan tiến hành tố tụng nên dễ dàng lấy tiền của nhiều người nhờ “chạy án” giúp. Nhiều người đã đưa cho bị cáo số tiền từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng, trong khi trên thực tế, bị cáo không thể tác động để “chạy án” như những gì đã cam kết trước đó.

Trước vòng tố tụng, nhiều người gần như bế tắc, nhất là khi vụ việc của họ không nắm chắc phần thắng, họ thường tìm cách để vững tin. Họ luôn là người chủ động để tìm kiếm những người quen biết, qua giới thiệu có thể ảnh hưởng hay tác động được tới các vụ án. Đây cũng là tâm lý khiến lừa đảo “chạy án” vẫn luôn là cái bẫy mà nhiều người dễ mắc. Thiết nghĩ, ngay cả khi bản thân và gia đình đang trong vòng tố tụng, cũng cần có hiểu biết pháp luật tốt. Cần hỗ trợ pháp lý thì nên đến những tổ chức hành nghề tư vấn, luật sư, hoặc trợ giúp pháp lý có uy tín; tránh tìm đến con đường chạy án vì nó vừa bất hợp pháp, có khi tiền mất tật mang (nếu đối phương lừa đảo) còn không thì có thể bị truy tố về hành vi “đưa hối lộ” nếu đúng người có chức vụ, quyền hạn nhận tiền “chạy án”.

Kim Phượng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.