Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và những vấn đề cần quan tâm
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) năm 2023 và Nghị định 55/2024/NĐ-CP đã kịp thời bổ sung nhiều quy định để tiếp tục nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi NTD trong bối cảnh mới. Trong đó, nhiều quy định được đánh giá có tính thực tiễn cao, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả bảo vệ quyền lợi NTD trong thương mại điện tử.
Hội chợ bán hàng cho người tiêu dùng. Ảnh: K.K
BẢO VỆ QUYỀN LỢI NTD DỄ BỊ TỔN THƯƠNG
NTD là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích tiêu dùng, sinh hoạt và không vì mục đích thương mại. Đây là điểm mới của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD. Đồng thời, Điều 8 Luật năm 2023 đã bổ sung thêm 7 đối tượng được coi là NTD dễ bị tổn thương gồm: Người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, người dân tộc thiểu số, người sống tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, phụ nữ mang thai/nuôi con dưới 3 tuổi, người bị bệnh hiểm nghèo, thành viên hộ nghèo.
NTD dễ bị tổn thương là NTD có khả năng chịu nhiều tác động bất lợi về tiếp cận thông tin, sức khỏe, tài sản, giải quyết tranh chấp tại thời điểm mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Khi NTD dễ bị tổn thương có yêu cầu được bảo vệ kèm theo chứng cứ, tài liệu chứng minh mình là NTD dễ bị tổn thương và về việc quyền lợi của mình bị xâm phạm, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải ưu tiên tiếp nhận, xử lý và không chuyển yêu cầu của NTD cho bên thứ 3 giải quyết, trừ trường hợp bên thứ 3 đó có nghĩa vụ liên quan. Trường hợp từ chối giải quyết yêu cầu của NTD dễ bị tổn thương, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải trả lời bằng văn bản, trong đó nêu rõ căn cứ pháp lý và sự không phù hợp với nội dung chính sách đã công bố theo quy định.
Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh khi giao dịch với NTD dễ bị tổn thương phải bảo đảm việc thực hiện quyền của NTD dễ bị tổn thương trong quá trình mua bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật; áp dụng cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp theo quy định của pháp luật phù hợp với từng đối tượng NTD dễ bị tổn thương; không được từ chối giải quyết yêu cầu được bảo vệ của NTD dễ bị tổn thương; bảo đảm quyền khiếu nại, yêu cầu giải quyết tranh chấp và các quyền khác của NTD dễ bị tổn thương.
BỔ SUNG NHIỀU HÀNH VI BỊ NGHIÊM CẤM
Luật mới nghiêm cấm doanh nghiệp, đơn vị bán hàng ép buộc NTD thanh toán cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp mà không có thỏa thuận trước với NTD; không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho NTD do nhầm lẫn của tổ chức, cá nhân kinh doanh; do sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không đúng với đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết của tổ chức, cá nhân kinh doanh; đánh tráo, gian lận sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khi giao hàng, cung cấp dịch vụ cho NTD. Không thông báo trước, không công khai cho NTD việc tài trợ cho người có ảnh hưởng dưới mọi hình thức để sử dụng hình ảnh, lời khuyên, khuyến nghị của người này nhằm xúc tiến thương mại. Yêu cầu NTD phải mua thêm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ như là điều kiện bắt buộc để giao kết hợp đồng trái với ý muốn của NTD…
Đồng thời, Luật mới còn cấm tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp thực hiện các hành vi bắt người khác phải đặt cọc, nộp tiền, mua hàng hóa nhất định để tham gia bán hàng đa cấp; cung cấp thông tin gian dối, khiến NTD, cá nhân tham gia bán hàng đa cấp nhầm lẫn; không có giấy chứng nhận đăng ký bán hàng đa cấp hoặc không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; phát triển mạng lưới bán hàng đa cấp không dựa trên việc mua bán hàng hóa.
Ngoài ra, Luật còn có quy định mới để bảo vệ NTD về giao dịch từ xa. Đây là thuật ngữ lần đầu tiên xuất hiện tại Luật Bảo vệ quyền lợi NTD. Theo đó, giao dịch từ xa được hiểu là giao dịch thực hiện qua mạng, phương tiện điện tử hoặc phương tiện khác mà NTD không được kiểm tra, tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm, dịch vụ trước khi tham gia giao dịch. Hiểu một cách đơn giản, giao dịch từ xa là giao dịch được thực hiện online hoặc bằng bất kỳ phương thức nào mà NTD không được kiểm tra, tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm, hàng hóa trước khi tham gia giao dịch.
KIM TUẤN
- Các khu, điểm du lịch đón khoảng 245.000 lượt khách trong dịp tết Nguyên đán
- Rộn ràng chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa chào xuân Ất Tỵ 2025
- Lãnh đạo tỉnh thăm, chúc Tết các bệnh viện và Trung tâm Dịch vụ đô thị tỉnh
- Mở cửa làm việc xuyên Tết, Công an Bạc Liêu phục vụ người dân làm Căn cước
- Bế mạc và trao giải các hội thi tại Hội xuân “Chợ quê ngày Tết”