Ly kỳ vụ án bị cáo giữ quyền im lặng trước tòa
Bị cáo bị truy tố tội giết người, người bị giết là vợ của bị cáo. Và bị cáo giữ quyền im lặng trước tòa, gây không ít khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình xét xử vụ án. Tuy nhiên, dù cho có giữ quyền im lặng, thì với những chứng cứ rõ rằng được thu thập trong quá trình điều tra, bị cáo vẫn phải gánh chịu hậu quả pháp lý do hành vi giết người của mình.
Vụ việc đau lòng diễn ra từ những nghi ngờ vợ ngoại tình, bị cáo Dương Văn Út ghen nên hai vợ chồng thường xuyên cự cãi. Thời điểm vụ án xảy ra, bị cáo chở vợ ra chòi giữ vuông của gia đình tại xã Vĩnh Hậu A (huyện Hòa Bình). Mặc dù biết chồng đang có tiền sử bị bệnh trầm cảm, nhưng chị L.T.T lại cố thách thức bị cáo dẫn đến xô xát, đánh nhau. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm bùng phát tâm lý bất ổn của bị cáo, dễ khiến bị cáo không thể kiềm chế bản thân. Bị cáo đã dùng tay đánh vào mặt vợ, chị vợ cắn vào tay chồng, hai bên cùng câu vật xuống nền đất, vợ bị cáo té nằm ngửa. Ở tư thế này, bị cáo đã dùng tay bóp cổ vợ đến chết.
Khi biết vợ đã tử vong, Dương Văn Út vẫn tiếp tục sinh hoạt như bình thường, trở về nhà lấy quần áo đến để lau rửa, thay đồ đẹp cho vợ, đắp chăn lên người và cùng lên giường ngủ chung với xác chết của vợ suốt đêm. Sáng hôm sau, sau nhiều nỗ lực muốn tự sát bằng cách dùng dao tự đâm vào bụng nhưng đau quá không thực hiện được, Út ra đầu thú tại Công an Phường 2 (TP. Bạc Liêu). Tại đây, Út đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
Bị cáo Út bị khởi tố về hành vi giết người. Vào thời điểm bị cáo tự thú và bị tạm giữ, tạm giam, cơ quan điều tra phát hiện những dấu hiệu bất thường đã áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Kết luận giám định pháp y tâm thần kết luận, tại thời điểm phạm tội, đương sự hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi do bệnh lý tâm thần. Sau khi điều trị khỏi bệnh, bị cáo Út tiếp tục bị tạm giam để chờ xét xử về hành vi giết người. Tại phiên tòa cuối tháng 2/2021, bị cáo giữ quyền im lặng. Tòa nhận định đó là quyền của bị cáo, bị cáo có quyền không đưa ra lời khai chống lại chính mình theo điểm h khoản 2 Điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định. Tuy nhiên, toàn bộ lời khai nhận tội của bị cáo trong quá trình điều tra hoàn toàn phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, nên Hội đồng xét xử vẫn có đủ căn cứ để kết luận bị cáo chính là người trực tiếp gây ra cái chết cho chị L.T.T. Nhất là khi kết quả giám định bị hại chết ngạt do bị chèn ép cổ là có xảy ra trên thực tế, với những dấu vết tại hiện trường, vẫn đủ cơ sở kết luận bị cáo chính là kẻ đã giết người.
Kể từ khi bị cáo đến cơ quan công an tự thú về hành vi giết vợ, những lời khai ban đầu, đến khi được trả về sau điều trị bệnh tâm thần, bị cáo thường xuyên dùng quyền im lặng của mình để đối phó với cơ quan tiến hành tố tụng. Cũng không ai biết do ám ảnh bởi hành vi giết người của mình hay vì bị cáo đang bị lương tâm giằng xé đến mức không còn thiết tha với cuộc sống, hay một chuyển biến khác của tâm lý tội phạm hòng trốn tội. Nhưng dù là với nguyên nhân gì, thì việc giữ quyền im lặng trong trường hợp này cũng không cứu bị cáo thoát khỏi hình phạt do hành vi giết người của mình gây ra. Chỉ tội nghiệp hai đứa con của bị cáo, khi xảy ra vụ án mạng, đứa lớn chỉ mới 7 tuổi, đứa nhỏ 2 tuổi. Giờ chúng chỉ biết nương tựa vào bà ngoại mà sống qua ngày, bởi chúng cũng không biết có thể trông chờ gì vào một người cha đã không còn chút cảm xúc, với một tâm lý bất ổn như thế cho ngày ra tù.
KIM KIM
- Quân khu 9: Kiểm tra công tác chuẩn bị lễ giao - nhận quân tại Bạc Liêu
- Xây dựng môi trường giao thông an toàn, văn minh, giảm tai nạn giao thông
- Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP. Bạc Liêu
- Tăng cường hoạt động trải nghiệm, thực hành chữa cháy - cứu nạn cứu hộ
- Khai giảng khóa đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự