Câu chuyện cảnh giác

Mạo danh công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Thứ Sáu, 08/07/2022 | 17:05

Ngày càng có nhiều thủ đoạn, chiêu trò lừa đảo qua tin nhắn, cuộc gọi điện thoại, qua mạng xã hội. Tinh vi hơn, nhiều đối tượng còn lợi dụng, gắn mác công an, cơ quan điều tra, tòa án để lừa đảo. Mặc dù là thủ đoạn đã được cảnh báo nhiều, nhưng không ít người vẫn “sập bẫy”.

Một Lệnh bắt khẩn cấp giả mạo của cơ quan điều tra thuộc VKSND tối cao. Ảnh: K.P

MẠO DANH CÁC CƠ QUAN ĐIỀU TRA

Bọn tội phạm dạng này sử dụng công nghệ cao, ẩn danh dưới số điện thoại giống hệt số điện thoại công khai của cơ quan Công an, Viện Kiểm sát để gọi cho “con mồi”, thông báo họ đang bị kiện vì nợ tiền hoặc có liên quan đến một vụ án, chuyên án mà công an đang điều tra, xác minh, đã có lệnh bắt của Viện Kiểm sát nhân dân. Nhiều trường hợp, bọn chúng còn gửi luôn cả quyết định tống đạt lệnh bắt tạm giam, quyết định khởi tố giả mạo. Nếu “con mồi” cắn câu, bọn chúng sẽ yêu cầu kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng, đồng thời yêu cầu “con mồi” cung cấp thông tin, mã OTP để xác minh, điều tra.

Nhiều người dân khi nghe đến cơ quan điều tra là sợ, không đủ sáng suốt để tìm hiểu, kiểm tra thông tin. Mặc dù không có gì khuất tất, nhưng trước những lời đe dọa, thúc giục của bọn tội phạm, một số người lại không đủ tỉnh táo để nhận biết sự việc dẫn đến bị lừa đảo.

THÔNG BÁO PHẠT VI PHẠM, CÓ TRÁT HẦU TÒA

Nhiều đối tượng lừa đảo “ăn theo” việc Bộ Công an triển khai cấp tài khoản định danh điện tử bằng cách tự xưng mình là công an, yêu cầu nạn nhân đăng nhập vào website giả mạo để được cung cấp tài khoản định danh điện tử. Từ việc các đối tượng lừa đảo đọc chính xác tên, số định danh, ngày tháng năm sinh, nhiều người thiếu cảnh giác sẽ làm theo yêu cầu, cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP… theo hướng dẫn của bọn chúng. Cơ quan Công an khuyến cáo việc xác thực định danh điện tử chỉ thực hiện trực tiếp tại các trụ sở và không yêu cầu người dân cung cấp thông tin gì qua điện thoại.

Rất nhiều người dân tại Bạc Liêu đã nhận được các cuộc gọi, thông qua máy điện thoại bàn để thông báo gia đình họ đang có một giấy gọi lên “hầu tòa” vì một lý do “trời ơi đất hỡi” nào đó, như có liên quan đến một vụ án mà đương sự hoàn toàn không biết. Không những thế, lợi dụng sự thiếu hiểu biết trong quy trình xử phạt giao thông, các đối tượng lừa đảo đã gọi điện thoại thông báo đang giữ biên lai “phạt nguội”, yêu cầu “con mồi” kê khai tài sản, cung cấp thông tin và chuyển tiền vào tài khoản do bọn chúng cung cấp để xác minh, điều tra. Trong khi đó, nếu đúng quy trình, nếu bị “phạt nguội” thì người dân phải nhận được thông báo bằng văn bản từ Phòng Cảnh sát giao thông trực tiếp gửi đến nhà của chủ phương tiện hoặc cá nhân, tổ chức liên quan. Công an không làm việc qua điện thoại. Cho nên người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin, thực hiện chuyển khoản ngân hàng dưới bất kỳ hình thức nào cho người lạ qua điện thoại.

Như vậy, lời khuyên tốt nhất là người dân nên đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước và các cơ quan tư pháp, tòa án, công an… thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại. Sau đó phải báo ngay cho cơ quan công an theo các số điện thoại đường dây nóng để được hỗ trợ, hướng dẫn. Tuyệt đối không làm theo bất kỳ yêu cầu của các đối tượng qua điện thoại bởi các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ liên hệ với đương sự, người dân bằng các phương pháp trực tiếp, không bao giờ yêu cầu cung cấp số tài khoản ngân hàng, mã OTP  hay yêu cầu phải che giấu hành tung.

KIM KIM

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.