Mô hình đô thị thông minh tại Bạc Liêu: Cần được triển khai nhanh
Không chỉ hứa hẹn mang đến tiện ích mới và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, việc xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM) được đánh giá là một trong những nhân tố hàng đầu giúp các địa phương nhanh chóng phục hồi sau tác động của đại dịch COVID-19. “Con người càng ngày càng không thể ngồi gần nhau, nhất là trong tình hình dịch bệnh này, chúng ta không thể đứng ngoài cuộc trong chuyển đổi số, công nghệ thông tin (CNTT), công nghệ 4.0, nếu tiếp tục chậm trễ, chúng ta sẽ tụt hậu, sẽ đứng sau”, Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều khẳng định.
TP. Bạc Liêu hôm nay. Ảnh: T.L
ĐÔ THỊ THÔNG MINH - GIẢI PHÁP CÔNG NGHỆ 4.0
Mô hình ĐTTM là giải pháp được thiết kế với 14 trung tâm thành phần, được xây dựng để phù hợp với nhu cầu, thực trạng, văn hóa của từng địa phương, giúp tối ưu hóa chi phí, nguồn lực. Các giải pháp nền tảng chuyển đổi số được triển khai sẽ là giải pháp hạ tầng điện toán đám mây, trung tâm điều hành thông minh, trung tâm giám sát an toàn thông tin, giải pháp kho lưu trữ, xác thực định danh, nền tảng trí tuệ nhân tạo. Giải pháp phát triển chính quyền số gồm nền tảng dịch vụ công trực tuyến, quản lý hồ sơ, văn bản, hệ thống thông tin báo cáo cấp tỉnh, hệ thống phân tích dữ liệu, hệ thống họp và xử lý công việc, ứng dụng an ninh trật tự. Giải pháp phát triển kinh tế số sẽ ứng dụng trên các lĩnh vực du lịch, thương mại, hệ sinh thái nông nghiệp, ứng dụng lĩnh vực giao thông - đô thị, lĩnh vực tài nguyên - môi trường. Giải pháp phát triển xã hội số trên các ứng dụng lĩnh vực giáo dục, ứng dụng lĩnh vực y tế, ứng dụng cho người dân, cán bộ, công chức...
Đánh giá hiệu quả và tính cấp thiết để triển khai mô hình ĐTTM, chính quyền số, cho đến thời điểm hiện tại, địa phương nào cũng có thể nhận thức được. Tuy nhiên, để áp dụng và triển khai vào cho địa phương mình, sở, ngành mình thì hầu hết đều thiếu sự quan tâm thích đáng. Trong khi muốn áp dụng chính quyền số hóa, không chỉ cần nhiều giải pháp mà vấn đề quan trọng phải là sự quyết tâm của chính quyền đó, sở, ngành đó.
Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số cung cấp thông tin phục vụ tổng điều tra kinh tế - xã hội (ảnh chụp khi dịch COVID-19 chưa bùng phát). Ảnh: M.Đ
CÒN LẮM CHUYỆN ĐỂ BÀN
Hiện tại, hạ tầng trung tâm dữ liệu của tỉnh tương đối hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu vận hành, lưu trữ các hệ thống CNTT. Hạ tầng mạng và kết nối cơ bản đáp ứng nhu cầu truy cập và họp trực tuyến của các cơ quan, đơn vị. Công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin được tỉnh chú trọng, quan tâm và triển khai tương đối hoàn thiện.
Tuy nhiên, về tổng thể, cơ sở hạ tầng số ở tỉnh còn rất thấp, chỉ riêng Cổng thông tin điện tử tỉnh qua khảo sát cũng đứng hạng thứ 63 (thấp nhất cả nước). Hiện trạng về ứng dụng CNTT, với tỷ lệ các dịch vụ công cấp độ 3, 4 còn hạn chế, dịch vụ công cấp độ 3 có 19,9%, cấp độ 4 chỉ đạt 4,8%. Chưa có đội ngũ cán bộ CNTT chuyên trách; các hệ thống thông tin còn đang rời rạc, hạn chế về liên thông dữ liệu. Bạc Liêu xếp hạng thứ 53/63 tỉnh, thành phố với chỉ số DTI (chỉ số chuyển đổi số) thấp so với chỉ số trung bình toàn quốc. Cụ thể, xếp thứ 55 về chính quyền số, thứ 52 về kinh tế số, thứ 45 về xã hội số.
Bên cạnh đó, theo đánh giá, chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT - truyền thông còn thấp. Năm 2020, tỉnh Bạc Liêu xếp hạng 55/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Việc xếp hạng thấp của tỉnh đã cho thấy quá trình chuyển đổi số của tỉnh còn bộc lộ hạn chế về hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đồng bộ; nhiều doanh nghiệp trong tỉnh còn chưa chủ động tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại; quy mô kinh tế số còn nhỏ; chuyển đổi số đặt ra nhiều thách thức cả về kinh tế và xã hội, nhất là ở các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Vướng mắc nhiều, nhưng mỗi khi họp hành có liên quan đến vấn đề chuyển đổi số, rất ít khi lãnh đạo tỉnh nghe các đơn vị, sở, ngành đóng góp ý kiến đầy đủ. Đến khi yêu cầu triển khai thực hiện, nơi nào cũng kêu khó và chậm trễ!
KIM PHƯỢNG
-----------------------------------------
CẦN GIẢI NHANH BÀI TOÁN SỐ HÓA
Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều tại buổi làm việc liên quan đến đề án chuyển đổi số, xây dựng chính quyền thông minh đã cho rằng, thời gian qua, tỉnh triển khai Đề án Mô hình ĐTTM còn quá chậm. Cho đến thời điểm gần cuối năm 2021, Thường trực Tỉnh ủy vẫn chưa nghe báo cáo nhiều về vấn đề này, nhất là tính hiệu quả khi triển khai đề án. Đã qua, doanh nghiệp đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thấp, một phần có liên quan đến vấn đề CNTT của tỉnh. Nhất là 2 năm nay, dịch bệnh, họ không di chuyển và tiếp xúc nhiều được, nhưng ngồi nhà đăng ký thì lại không thực hiện được do tính tương tác và yếu tố tiếp cận CNTT và công nghệ số của Bạc Liêu còn yếu. Trong khi nhiều tỉnh khác, người dân và doanh nghiệp chỉ cần ngồi tại nhà mà đăng nhập, tiến hành các thủ tục hành chính.
Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai mô hình đô thị thông minh tại Bạc Liêu. Ảnh: K.P
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, cần sớm có lời giải bài toán này, kinh phí hàng trăm tỷ đồng để đó nếu không sớm triển khai thì không sử dụng được. Đề án thông qua từ năm 2019, vì sao đến nay vẫn chưa triển khai được? Cần làm rõ nguyên nhân chậm trễ. Phải giải bài toán cụ thể, do nhận thức của sở, ngành, trách nhiệm của huyện, thị xã, thành phố, hay do nhận thức của người dân? Vì sao CNTT của tỉnh dậm chân tại chỗ, lý do gì, sở, ngành nào cần thay đổi, địa phương nào cần được quan tâm đầu tư?…
Mới đây, UBND tỉnh đã “cầm tay chỉ việc”, giao cụ thể cho Sở VH-TT-TT&DL làm đầu mối, chủ công, với mục tiêu rõ ràng là sớm triển khai dự án đi vào thực tiễn. Đơn vị nào phụ trách lĩnh vực nào, Sở VH-TT-TT&DL phải đề ra giải pháp thực hiện đối với hạ tầng CNTT của tỉnh Bạc Liêu. Tiến tới các ngành, các lĩnh vực phải số hóa hết, bằng CNTT toàn bộ. ĐTTM là quan trọng, không ai được đứng ngoài cuộc. Phải làm sao để tỉnh theo kịp với các địa phương trong cả nước. Người đứng đầu UBND tỉnh cũng đề cập rõ, nếu ngành nào, đơn vị nào vẫn chậm trễ sẽ phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Mục tiêu hướng tới trong năm 2022 là sẽ xây dựng chính quyền điện tử và đề án ĐTTM tỉnh Bạc Liêu. Nghiên cứu phát triển hạ tầng, dịch vụ viễn thông - CNTT trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển xứng tầm, phát huy hiệu quả tích cực cho công cuộc xây dựng Bạc Liêu phát triển bền vững, an toàn, an ninh và thích ứng tốt với các thách thức, thay đổi mạnh mẽ của điều kiện thực tế, cả trong trung và dài hạn.
K.K
- Hồng Dân, Đông Hải triển khai nhiệm vụ đầu năm 2025
- Họp Tiểu ban Hậu cần, Lễ tân, An ninh trật tự phục vụ Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025
- Hơn 24,7 tỷ đồng hỗ trợ cho khuyến học, khuyến tài
- Tăng cường đấu tranh với các tệ nạn trá hình trong lễ hội tháng Giêng
- Ngăn chặn tình trạng mê tín dị đoan đầu năm mới