Một số điểm mới trong Luật Phòng, chống nhiễm vi-rút HIV/AIDS
Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi-rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) (gọi tắt là Luật năm 2020). Luật này gồm 2 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021.
Ảnh minh họa: K.K
Nhằm bảo đảm dự phòng lây nhiễm HIV cho vợ, chồng, người chuẩn bị kết hôn, người sống chung như vợ chồng của người nhiễm HIV, Luật năm 2020 sửa đổi điểm b khoản 2 Điều 4 Luật năm 2006 theo hướng quy định người nhiễm HIV phải có nghĩa vụ thông báo tình trạng nhiễm HIV của mình cho vợ, chồng, người dự định kết hôn, người sống như vợ, chồng với mình để phòng ngừa lây nhiễm HIV cho người đó. Đồng thời thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm HIV sang người khác; Thông báo kịp thời kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho vợ, chồng, người dự định kết hôn, người chung sống như vợ chồng với mình; Thực hiện các quy định về điều trị khi tham gia điều trị bằng thuốc kháng HIV.
Luật năm 2020 sửa đổi khoản 2 Điều 11 Luật năm 2006 theo hướng mở rộng các đối tượng được ưu tiên triển khai tiếp cận thông tin giáo dục truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS. Đó là người nhiễm HIV, người sử dụng ma túy, người bán dâm, người có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển đổi giới tính. Vợ, chồng và thành viên khác của gia đình cùng sống chung với người nhiễm HIV; vợ, chồng của người sử dụng ma túy, người bán dâm, người có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển đổi giới tính. Người có quan hệ tình dục với người nhiễm HIV, người mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Người di biến động, phụ nữ mang thai. Phạm nhân, người bị tạm giam, trại viên cơ sở giáo dục bắt buộc, học sinh trường giáo dưỡng, học viên cơ sở cai nghiện ma túy. Người dân tộc thiểu số; người sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, khu vực biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Người từ đủ 13 tuổi đến dưới 30 tuổi.
Luật năm 2020 quy định các biện pháp can thiệp giảm tác hại và dự phòng lây nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV. Đồng thời, quy định cụ thể các đối tượng được ưu tiên can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV để bảo đảm hiệu lực pháp lý và tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật.
Ngoài ra, Luật còn quy định giảm độ tuổi được quyền tự nguyện đề nghị xét nghiệm HIV, theo đó, giảm độ tuổi được quyền tự nguyện đề nghị xét nghiệm HIV của trẻ em từ đủ 16 tuổi (Luật năm 2006) xuống đủ 15 tuổi (Luật năm 2020).
Theo Luật năm 2020, Nhà nước cấp miễn phí thuốc kháng HIV cho các đối tượng người bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp; người bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do rủi ro của kỹ thuật y tế; người bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tham gia cứu nạn; phụ nữ và trẻ em có chỉ định điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; trẻ em dưới 6 tuổi nhiễm HIV; người nhiễm HIV trong cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giam giữ khác.
PHƯƠNG THẢO
- Sở LĐ-TB&XH: Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và người lao động năm 2025
- Hồng Dân, Đông Hải triển khai nhiệm vụ đầu năm 2025
- Họp Tiểu ban Hậu cần, Lễ tân, An ninh trật tự phục vụ Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025
- Hơn 24,7 tỷ đồng hỗ trợ cho khuyến học, khuyến tài
- Tăng cường đấu tranh với các tệ nạn trá hình trong lễ hội tháng Giêng