Một số điểm mới về biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính
Ngày 18/3/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 68 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC). Nghị định hứa hẹn tháo gỡ nhiều vướng mắc trong xử lý VPHC.
Hội nghị phổ biến các văn bản pháp luật mới có hiệu lực năm 2025. Ảnh: K.P
NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA NGHỊ ĐỊNH
Nghị định 118/2021/NĐ-CP không hướng dẫn cụ thể trường hợp có một và nhiều tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng thì áp dụng mức phạt như thế nào, dẫn đến áp dụng khác nhau giữa các cơ quan, đơn vị khi xử phạt, tạo sự không thống nhất trong áp dụng pháp luật. Để khắc phục tình trạng trên, Nghị định 68/2025/NĐ-CP đã quy định cụ thể nguyên tắc phạt tiền để tạo sự thống nhất hơn. Nghị định 68/2025/NĐ-CP cũng quy định nguyên tắc xác định thời hạn cụ thể tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn, đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với một hành vi VPHC trong trường hợp có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ cũng giống như nguyên tắc xác định phạt tiền nêu trên.
Về cơ bản Nghị định 68/2025/NĐ-CP kế thừa Nghị định 118/2021/NĐ-CP về thẩm quyền, các trường hợp hủy bỏ, ban hành mới, đính chính quyết định xử phạt VPHC, có bổ sung thêm một số nội dung mới và chi tiết hơn. Nghị định cũng xác định thẩm quyền xử phạt theo Điều 52 của Luật Xử lý VPHC, bổ sung thêm một số nguyên tắc mới liên quan đến chuyển hồ sơ xử phạt của ngành dọc đóng trên địa bàn các địa phương.
XÁC ĐỊNH THẨM QUYỀN XỬ PHẠT VPHC
Vụ việc VPHC do người có thẩm quyền thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng tại địa phương đang thụ lý, giải quyết nhưng phải chuyển đến người có thẩm quyền xử phạt, thì việc chuyển hồ sơ có thể được quy định cụ thể tại các nghị định quy định về xử phạt VPHC trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước hoặc theo thứ tự: người có thẩm quyền xử phạt VPHC thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc tại địa phương; Chánh Thanh tra Bộ hoặc người có thẩm quyền xử phạt VPHC cao nhất trong ngành, lĩnh vực quản lý hoặc Chủ tịch UBND cấp có thẩm quyền xử phạt nơi xảy ra vi phạm. Vụ việc VPHC có hành vi thuộc trường hợp tại điểm c khoản 4 Điều 52, Luật Xử lý VPHC 2012 (sửa đổi 2020) hoặc vụ việc có tang vật, phương tiện VPHC là bất động sản, tàu bay, tàu biển, phương tiện thủy nội địa, các loại hàng hóa, phương tiện cồng kềnh, khó vận chuyển, chi phí vận chuyển cao thì thẩm quyền xử phạt thuộc Chủ tịch UBND cấp có thẩm quyền xử phạt nơi xảy ra vi phạm.
Ngoài ra, Nghị định 68/2025/NĐ-CP còn bổ sung quy định xác định mức phạt tiền cụ thể, thời hạn cụ thể, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn, đình chỉ hoạt động có thời hạn trong trường hợp có một tình tiết tăng nặng hoặc một tình tiết giảm nhẹ; quy định ghi biểu mẫu trong xử phạt VPHC đối với trường hợp đối tượng vi phạm là hộ gia đình, hộ kinh doanh, cộng đồng dân cư, tổ hợp tác, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của pháp nhân, tổ chức… Tăng thời hạn lập biên bản VPHC (từ 2 ngày làm việc thành 3 ngày làm việc).
Với những điểm mới của Nghị định như cách xác định hình thức xử phạt, quy định về lập biên bản VPHC, quy định về đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ quyết định trong xử phạt VPHC… sẽ tác động hiệu quả đến quá trình thi hành pháp luật về xử lý VPHC, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số, tăng cường kỷ luật - kỷ cương hành chính.
KIM KIM
- Rà soát, điều chỉnh đơn vị hành chính sau sắp xếp có di tích quốc gia đặc biệt
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt thăm các Mẹ Việt Nam Anh hùng huyện Hồng Dân
- Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc hơn 300 cử tri TP. Bạc Liêu và huyện Vĩnh Lợi
- Mỹ áp dụng mức thuế đối ứng cho hàng hóa Việt Nam: Dự báo tôm xuất khẩu sẽ gặp khó
- Rầm rộ khuyến mại dịp 30/4