Một số nội dung cơ bản của Luật Lực lượng dự bị động viên
Luật Lực lượng dự bị động viên (LLDBĐV) được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 8, ngày 26/11/2019. Ðây là hành lang pháp lý để xây dựng LLDBĐV hùng hậu, hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Cán bộ, công chức các sở, ban ngành tỉnh Bạc Liêu tham gia huấn luyện dân quân tự vệ diễn tập phòng thủ cấp tỉnh năm 2019. Ảnh: T.T
Luật LLDBĐV gồm 5 chương, 41 điều, quy định về xây dựng, huy động LLDBĐV; chế độ, chính sách, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng, huy động LLDBĐV. Nội dung luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh về LLDBĐV năm 1996.
Theo đó, một trong những nguyên tắc quan trọng trong xây dựng, huy động LLDBĐV nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh. Bảo đảm đủ quân số, phương tiện kỹ thuật dự bị; ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật, công nghệ trong xây dựng, huy động LLDBĐV.
Các hành vi bị nghiêm cấm trong xây dựng, huy động LLDBĐV là: Trốn tránh thực hiện trách nhiệm của quân nhân dự bị, nghĩa vụ của chủ phương tiện kỹ thuật dự bị được huy động, điều động; chống đối, cản trở việc xây dựng, huy động LLDBĐV; huy động, điều động LLDBĐV không có trong kế hoạch được phê duyệt; lợi dụng, lạm dụng việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng, huy động LLDBĐV xâm phạm lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; phân biệt đối xử về giới trong xây dựng, huy động LLDBĐV.
Độ tuổi quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên được quy định: Nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị không quá 40 tuổi; hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 35 tuổi được sắp xếp vào đơn vị chiến đấu. Nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 45 tuổi; nữ quân nhân dự bị không quá 40 tuổi được sắp xếp vào đơn vị bảo đảm chiến đấu.
Luật cũng quy định 4 trường hợp huy động LLDBĐV gồm: Khi thực hiện lệnh tổng động viên hoặc lệnh động viên cục bộ; khi thi hành lệnh thiết quân luật; khi có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp; để phòng chống, khắc phục hậu quả thảm họa, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm.
Cơ quan, tổ chức nơi quân nhân dự bị đang lao động, học tập, làm việc có trách nhiệm phối hợp với địa phương bố trí thời gian cho quân nhân dự bị tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện nhiệm vụ khi chưa đến mức tổng động viên hoặc động viên cục bộ; tiếp nhận, bố trí công việc cho quân nhân dự bị khi kết thúc huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện xong nhiệm vụ. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2020.
Trần Thái