Một số quy định, quy trình về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện
Nghiện ma túy được xác định là một bệnh mãn tính do rối loạn của não bộ gây nên khi sử dụng ma túy. Người nghiện ma túy có tình trạng tái diễn, tăng liều sử dụng và sử dụng bất chấp hậu quả.
Kiểm tra sức khỏe cho học viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh.
Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy
Theo Điều 23 Luật Phòng chống ma túy và Điều 37 - 49 Nghị định 105/2021/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng chống ma túy thì đối với người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy (SDTPCMT) và có kết quả xét nghiệm dương tính với chất ma túy, cơ quan có thẩm quyền sẽ lập hồ sơ quản lý trong thời gian 1 năm, kể từ ngày Chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định.
Trong 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả xét nghiệm dương tính của người cư trú tại địa phương, Chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định quản lý người SDTPCMT. Nội dung quản lý gồm tư vấn, động viên, giáo dục, giúp đỡ người SDTPCMT để họ không tiếp tục SDTPCMT; xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể; ngăn chặn người SDTPCMT có hành vi gây mất trật tự, an toàn xã hội.
Trong thời hạn quản lý, đối với các trường hợp người SDTPCMT được xác định là nghiện ma túy; bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn do có hành vi SDTPCMT; bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng; phải thi hành án phạt tù; bị Tòa án tuyên bố là mất tích hoặc chết thì Chủ tịch UBND cấp xã sẽ ra quyết định dừng quản lý.
Gia đình phải có trách nhiệm quản lý, giáo dục người SDTPCMT; ngăn chặn hành vi SDTPCMT; cung cấp thông tin về hành vi sử dụng ma túy của người SDTPCMT cho công an cấp xã nơi người đó cư trú; ngăn chặn người SDTPCMT có hành vi gây mất trật tự, an toàn xã hội; phối hợp với cơ quan có thẩm quyền đưa người SDTPCMT đi xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể.
Cơ quan, tổ chức nơi người SDTPCMT làm việc, cộng đồng nơi người SDTPCMT sinh sống có trách nhiệm động viên, giúp đỡ, giáo dục, ngăn chặn hành vi SDTPCMT; phối hợp với gia đình, cơ quan có thẩm quyền đưa NSDTPCMT đi xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể. Công an cấp xã giúp UBND cùng cấp lập danh sách người SDTPCMT cư trú tại địa phương.
Khi người SDTPCMT thay đổi nơi cư trú, công an cấp xã nơi chuyển đi có trách nhiệm thông báo cho công an cấp xã nơi chuyển đến trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày người đó chuyển khỏi địa phương để đưa vào danh sách và tiếp tục quản lý.
Cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng
Cai nghiện ma túy (CNMT) tự nguyện tại gia đình, cộng đồng là việc người nghiện ma túy thực hiện cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng với sự hỗ trợ chuyên môn của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ CNMT, sự phối hợp, trợ giúp của gia đình, cộng đồng và chịu sự quản lý của UBND cấp xã. Thời hạn CNMT tự nguyện tại gia đình, cộng đồng từ đủ 6 đến 12 tháng.
Người CNMT tự nguyện tại gia đình, cộng đồng khi hoàn thành ít nhất 3 giai đoạn quy định tại các điểm a, b và c khoản 1, Điều 29 của Luật Phòng chống ma túy được hỗ trợ kinh phí. Đồng thời có trách nhiệm thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về CNMT tự nguyện và tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; nộp chi phí liên quan đến CNMT theo quy định.
Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận đăng ký CNMT tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; hướng dẫn, quản lý; cấp giấy xác nhận hoàn thành CNMT tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm giao nhiệm vụ cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền trên địa bàn cung cấp dịch vụ CNMT tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; tiếp nhận đăng ký và công bố danh sách tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cung cấp dịch vụ CNMT tự nguyện; thông báo cho UBND cấp xã danh sách tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ; bố trí kinh phí hỗ trợ; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác CNMT tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.
Học viên Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh tham gia học nghề.
Quản lý sau CNMT tại nơi cư trú
Người đã hoàn thành CNMT tự nguyện, người đã hoàn thành điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi đã chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chịu sự quản lý sau CNMT trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày hoàn thành việc cai nghiện hoặc chấp hành xong quyết định. Người đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chịu sự quản lý sau CNMT trong thời hạn 2 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định.
Lập danh sách người bị quản lý sau CNMT; tư vấn, giúp đỡ, phòng, chống tái nghiện ma túy; theo dõi, phát hiện, ngăn chặn hành vi SDTPCMT; hỗ trợ xã hội, hỗ trợ học nghề, vay vốn, tìm việc làm, tham gia các hoạt động xã hội để hòa nhập cộng đồng… là những nội dung quản lý sau CNMT.
Chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định và tổ chức quản lý, hỗ trợ xã hội sau CNMT. Chính phủ quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục, chế độ quản lý và chính sách hỗ trợ người bị quản lý sau CNMT. Gia đình người nghiện ma túy, cộng đồng có trách nhiệm hỗ trợ người nghiện trong quá trình cai nghiện, sau CNMT và hòa nhập cộng đồng; phối hợp với cơ quan, người có thẩm quyền trong việc lập hồ sơ áp dụng biện pháp CNMT bắt buộc; phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan hỗ trợ người nghiện ma túy trong quá trình cai nghiện, quản lý sau cai nghiện và hòa nhập cộng đồng.
Cộng đồng nơi người nghiện ma túy cư trú có trách nhiệm động viên, giúp đỡ người nghiện ma túy; phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan hỗ trợ người nghiện ma túy trong quá trình cai, quản lý sau cai nghiện và hòa nhập cộng đồng.
Bài và ảnh: Hải Quyên
Các biện pháp CNMT, gồm: CNMT bắt buộc tại Cơ sở CNMT công lập và CNMT tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; Cơ sở CNMT công lập; Cơ sở CNMT tư nhân; Điểm điều trị Methadone.
Đối tượng áp dụng cho người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi trở lên, thời gian cai nghiện từ 6 - 12 tháng.