Một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản
Ngày 16/5/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo từng chức danh đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 5/7/2019.
Nghị định quy định, khai thác thủy sản (KTTS) trong khu vực cấm khai thác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12m để KTTS, hoặc KTTS mà không sử dụng tàu cá. Các mức hình phạt tăng dần từ 20 - 50 triệu đồng cho hành vi sử dụng tàu cá có chiều dài lớn từ 12m trở lên để KTTS. Hình thức phạt bổ sung là tịch thu ngư cụ KTTS, buộc thả thủy sản còn sống trở lại môi trường.
Tàu khai thác thủy sản công suất nhỏ. Ảnh minh họa: K.K
Đối với vi phạm nghiêm trọng trong KTTS, phạt tiền từ 300 - 500 triệu đồng đối với chủ tàu cá sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m không có giấy phép KTTS; không trang bị thiết bị giám sát hành trình; không duy trì hoạt động, hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển, trừ trường hợp bất khả kháng…
Phạt tiền từ 500 - 700 triệu đồng đối với chủ tàu cá sử dụng tàu cá có trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần; che giấu, giả mạo hoặc hủy chứng cứ vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; KTTS quá hạn mức do tổ chức nghề cá khu vực cấp phép. Đặc biệt, phạt tiền đến 1 tỷ đồng đối với chủ tàu cá có sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên không có giấy phép KTTS, hoặc giấy phép KTTS đã hết hạn; KTTS tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức nghề cá khu vực mà không có giấy phép; tàu cá nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam không có giấy phép, hoặc giấy phép hết hạn.
Bên cạnh đó, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung gồm: Tịch thu thủy sản khai thác, chuyển tải trái phép đối với hành vi vi phạm quy định; tịch thu tàu cá đối với hành vi vi phạm; tước quyền sử dụng giấy phép KTTS từ 6 - 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định… Đồng thời, buộc chủ tàu cá phải chi trả toàn bộ kinh phí đưa ngư dân bị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài bắt giữ về nước và các chi phí liên quan khác đối với hành vi vi phạm quy định.
Hải Đăng
- Văn phòng UBND tỉnh: Triển khai nhiệm vụ công tác Đảng, công tác chính quyền năm 2025
- Sở Nông nghiệp và Môi trường kiểm tra tình hình phòng, chống cháy rừng tại Vườn chim Bạc Liêu
- Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4: Bắt giữ xà lan vận chuyển khoảng hơn 100 tấn phân URE không có nguồn gốc
- Hơn 200 học sinh tiểu học được trải nghiệm “Một buổi làm nhân viên y tế”
- Bế mạc Hội thao kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam