Một số quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp
Nghị định 82 quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
Ảnh minh họa: Internet
Đối tượng bị xử phạt gồm cá nhân, tổ chức Việt Nam; cá nhân, tổ chức nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quy định nêu trên.
Tổ chức là đối tượng bị xử phạt theo quy định của Nghị định này, bao gồm tổ chức hành nghề luật sư; trung tâm tư vấn pháp luật, tổ chức hành nghề công chứng; văn phòng giám định tư pháp; tổ chức đấu giá tài sản; tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng; trung tâm trọng tài; trung tâm hòa giải thương mại; văn phòng thừa phát lại; doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản; trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài; văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam; tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý; doanh nghiệp, hợp tác xã tiến hành thủ tục phá sản; ngân hàng nơi doanh nghiệp, hợp tác xã có tài khoản…
Hình thức xử phạt chính gồm cảnh cáo, phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn. Hình thức xử phạt bổ sung gồm tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn; đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Ngoài ra, Nghị định còn quy định hàng loạt biện pháp buộc khắc phục hậu quả.
Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân trong các lĩnh vực hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình là 30 triệu đồng; lĩnh vực thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã là 40 triệu đồng; lĩnh vực bổ trợ tư pháp là 50 triệu đồng; tổ chức vi phạm phạt gấp hai lần.
Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp gồm hoạt động luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, đấu giá tài sản, trọng tài thương mại, hòa giải thương mại, thừa phát lại; hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực hành chính tư pháp gồm hoạt động chứng thực, hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp, phổ biến giáo dục pháp luật và hợp tác quốc tế về pháp luật, trợ giúp pháp lý, đăng ký các biện pháp bảo đảm, bồi thường nhà nước; hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình như hành vi tảo hôn, vi phạm chế độ một vợ một chồng, vi phạm quy định về sinh con, giám hộ, nuôi con nuôi; hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực thi hành án dân sự; hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/9/2020, thay thế các Nghị định 110/2013 và Nghị định 67/2015 trước đó.
KIM KIM