Một số quyền lợi chỉ có ở lao động nữ

Thứ Tư, 19/10/2022 | 16:17

Lao động nữ (LĐN) là người lao động thuộc giới nữ và khi tham gia quan hệ lao động có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người lao động, đồng thời, được pháp luật lao động dành cho những quy định áp dụng riêng. Nhà nước bảo đảm quyền làm việc của phụ nữ bình đẳng về mọi mặt với nam giới, có chính sách khuyến khích người sử dụng lao động (NSDLĐ) tạo điều kiện để người LĐN có việc làm thường xuyên, áp dụng rộng rãi chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn ngày, trọn tuần, giao việc làm tại nhà.

Sở Tư pháp tập huấn các văn bản pháp luật liên quan đến lao động nữ. Ảnh: K.P

NHỮNG ƯU TIÊN VỀ CHẾ ĐỘ THAI SẢN

LĐN trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ 60 phút/ngày trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

LĐN làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm khi mang thai và có thông báo cho NSDLĐ biết thì được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Ngoài ra, luật cũng cho phép LĐN không phải làm đêm, làm thêm, đi công tác xa khi mang thai hoặc nuôi con nhỏ; không bị xử lý kỷ luật khi mang thai và nuôi con nhỏ; được nghỉ thai sản trước và sau sinh con 6 tháng.

Luật cũng yêu cầu NSDLĐ bảo đảm việc làm cũ khi trở lại làm việc của LĐN sau khi hết thời gian nghỉ thai sản; cấm không sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi LĐN đang mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi; được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi mang thai nếu chứng minh được tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi hoặc được tạm hoãn hợp đồng lao động khi mang thai. Được hưởng bảo hiểm xã hội chế độ thai sản, trong thời gian mang thai, LĐN được nghỉ việc đi khám thai 5 lần, mỗi lần 1 ngày.

BÌNH ĐẲNG VỚI LAO ĐỘNG NAM VỀ LƯƠNG, THƯỞNG, THĂNG TIẾN

Nghị định 145 quy định, NSDLĐ có trách nhiệm thực hiện quyền bình đẳng của LĐN, lao động nam, thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, tiền lương, khen thưởng, thăng tiến, trả công lao động, các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, điều kiện lao động, an toàn lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, ốm đau, thai sản, các chế độ phúc lợi khác về vật chất và tinh thần.

ƯU TIÊN KHÁM SỨC KHỎE SẢN KHOA

Luật An toàn vệ sinh lao động và Nghị định 145/2020 hướng dẫn, người lao động được khám sức khỏe ít nhất 1 lần/năm. Nếu người lao động là nữ sẽ phải được khám chuyên khoa phụ sản theo danh mục khám chuyên khoa phụ sản do Bộ Y tế ban hành.

Bộ luật Lao động 2019 và Nghị định 145 còn quy định, LĐN trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút, tính vào giờ làm việc và hưởng đủ lương theo hợp đồng lao động. Số ngày có thời gian nghỉ trong thời gian hành kinh do hai bên thỏa thuận nhưng tối thiểu là 3 ngày làm việc/tháng.

Khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì LĐN được nghỉ việc tối đa 10 ngày nếu thai dưới 5 tuần tuổi; 20 ngày nếu thai từ 5 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi; 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi; 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.

KIM KIM

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.