Ngành Thanh tra tỉnh: Giữ gìn trật tự, kỷ cương trong chấp hành chính sách, pháp luật

Thứ Hai, 06/11/2023 | 17:11

Thời gian qua, Bạc Liêu luôn quan tâm đến công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng gắn với triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định 2213/QĐ-TTg ngày 8/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Chủ tịch UBND tỉnh tiếp công dân định kỳ tháng 10/2023. Ảnh: M.Đ

ĐIỀU KIỆN ĐỂ TRIỂN KHAI CHIẾN LƯỢC

Trong những năm gần đây, qua hoạt động xúc tiến đầu tư, số lượng dự án đầu tư và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. Tính đến hết tháng 9/2023, toàn tỉnh có 171 dự án ngoài khu công nghiệp (trong đó: 154 dự án trong nước với tổng số vốn đăng ký đầu tư 60.723,708 tỷ đồng, 16 dự án nước ngoài với tổng số vốn đăng ký đầu tư 4,509 tỷ USD), 2.695 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, với số vốn đăng ký trên 39.200 tỷ đồng. Kết quả đầu tư sản xuất - kinh doanh của các dự án đầu tư, các doanh nghiệp đã góp phần đáng kể vào sự phát triển của tỉnh; sự ra đời của các doanh nghiệp đã giải quyết được hàng ngàn lao động, kinh tế thị trường phát triển đa dạng về lĩnh vực, ngành nghề.

Trên lĩnh vực chuyên môn, hoạt động thanh tra luôn hướng đến việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước (QLNN), công tác cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng, góp phần giữ gìn trật tự, kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành chính sách, pháp luật. Phát hiện hạn chế, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền có giải pháp, biện pháp khắc phục. Phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là việc triển khai thực hiện các công trình, dự án đầu tư, thực hiện chương trình mục tiêu, việc quản lý, sử dụng tài chính ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm công, quy hoạch, quản lý, sử dụng đất, tài nguyên, môi trường…

Về mặt xã hội, do yếu tố khách quan và lịch sử để lại, việc quy hoạch, quản lý, sử dụng đất trên địa bàn tỉnh có nhiều biến động nên phát sinh tranh chấp, khiếu nại liên quan đến đất đai trong nội bộ nhân dân với số lượng nhiều, tính chất phức tạp và thời gian kéo dài. Bên cạnh đó, việc triển khai các công tỉnh, dự án có thu hồi đất thì phát sinh khiếu nại, tố cáo của công dân về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… dẫn đến phát sinh yêu cầu về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Họp mặt kỷ niệm Ngày truyền thống Thanh tra Việt Nam. Ảnh: K.P

KIỆN TOÀN TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG THANH TRA

Để đáp ứng các điều kiện trên, UBND tỉnh kiện toàn cơ cấu tổ chức ngành Thanh tra của tỉnh đáp ứng yêu cầu công tác QLNN về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, ngành Thanh tra của tỉnh giữ ổn định tổ chức bộ máy và biên chế, gồm Thanh tra tỉnh, 16 tổ chức Thanh tra sở, ban, ngành cấp tỉnh và 7 tổ chức Thanh tra huyện, thị xã, thành phố với 197 công chức. Đến năm 2023, trình độ công chức ngành Thanh tra của tỉnh đạt tiêu chuẩn trình độ theo Đề án vị trí việc làm, đặc biệt là nghiệp vụ thanh tra, trong đó có 3 thanh tra viên cao cấp, 138 thanh tra viên chính, 48 thanh tra viên. Ngoài ra, công chức Thanh tra của tỉnh còn được quan tâm bồi dưỡng về trình độ QLNN, nghiệp vụ chuyên ngành đáp ứng yêu cầu công tác (nghiệp vụ tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trưởng đoàn thanh tra, thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành…).

Hiệu quả hoạt động thanh tra trên địa bàn tỉnh từng bước được nâng lên, bám sát định hướng, chỉ đạo và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ; đảm bảo nguyên tắc tuân theo pháp luật, dân chủ, công khai, khách quan, kịp thời, chính xác; các cơ quan Thanh tra hành chính chuyển mạnh sang xem xét, đánh giá hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan và người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước; các cơ quan Thanh tra ngành, lĩnh vực tập trung thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm trên các lĩnh vực quản lý ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống và lợi ích của Nhân dân; hoạt động thanh tra đã đáp ứng kịp thời cho công tác QLNN, phục vụ kịp thời, hiệu quả cho công tác quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

GIẢI PHÁP NÂNG CAO VỊ TRÍ, VAI TRÒ CỦA NGÀNH THANH TRA

Thanh tra tỉnh, Thanh tra cấp huyện ngày càng được hoàn thiện và nâng cao vị trí, vai trò trong QLNN về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Các cơ quan Thanh tra ngành, lĩnh vực (Thanh tra Sở) tiếp tục củng cố tổ chức và hoạt động nhằm thực hiện kiểm soát có hiệu quả việc chấp hành pháp luật và xử lý vi phạm trên các lĩnh vực QLNN của sở, ngành. Trong đó, cơ cấu tổ chức Thanh tra tỉnh thực hiện theo Thông tư liên tịch 03/2014/TTLT-TTCP-BNV của Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ, Quyết định 17/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bạc Liêu.

Cơ cấu tổ chức Thanh tra sở, ban, ngành thực hiện theo quy định của bộ, ngành Trung ương và Quyết định của UBND tỉnh. Cơ cấu tổ chức của Thanh tra huyện, thị xã, thành phố thực hiện theo Thông tư liên tịch 03/2014/TTLT-TTCP-BNV của Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ và Quyết định của UBND huyện, thị xã, thành phố. Phân định rõ phạm vi hoạt động giữa thanh tra theo cấp hành chính và thanh tra ngành, lĩnh vực; giữa cơ quan thanh tra với các cơ quan có thẩm quyền khác trong việc thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tránh tình trạng chồng chéo như trước.

Ngành Thanh tra cũng dần xây dựng, hoàn thiện và thực hiện cơ chế phối hợp giữa cơ quan Thanh tra với các cơ quan, tổ chức có chức năng giám sát, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử. Cụ thể, Tỉnh ủy ban hành Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy và Thanh tra tỉnh; Quy chế phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và Thanh tra tỉnh; Chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân tỉnh với Thanh tra tỉnh; Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Thanh tra tỉnh, Sở Tư pháp, Hội Luật gia tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh; Kế hoạch phối hợp giữa Viện KSND tỉnh với Thanh tra tỉnh; Quy chế phối hợp giữa Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh và Viện KSND tỉnh. Cơ quan Thanh tra được xác định rõ và nâng cao vị trí, vai trò quan trọng trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, đặc biệt là cơ quan cung cấp thông tin ban đầu các dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực được phát hiện qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Giai đoạn 2020 - 2023, tầm nhìn đến 2030, việc tổ chức thực hiện chiến lược từng bước củng cố, kiện toàn, ổn định về cơ cấu, tổ chức, biên chế cơ quan Thanh tra, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra trên các lĩnh vực. Hoạt động thanh tra vừa đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, vừa bám sát nhiệm vụ chính trị, đáp ứng được các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hoạt động thanh tra hướng vào việc phát hiện, ngăn chặn, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật; đáp ứng và phục vụ có hiệu quả cho công tác quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thúc đẩy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác QLNN, công tác cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng, góp phần giữ gìn trật tự, kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và chính quyền.

KIM PHƯỢNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.