Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (9/11): 10 năm - một chặng đường ý nghĩa
Tính đến năm 2022, Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (gọi tắt là Ngày Pháp luật) đã được triển khai thực hiện tròn 10 năm. Ngay từ đầu tháng 10/2022, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Ngày Pháp luật trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tiếp tục tổ chức các hoạt động hưởng ứng 10 năm Ngày Pháp luật một cách thiết thực, hiệu quả, qua đó góp phần tôn vinh, khẳng định vị trí, vai trò của Hiến pháp, pháp luật trong đời sống xã hội; bảo vệ quyền con người, quyền công dân...
Tuyên truyền trực quan sinh động
Để người dân dễ nhìn thấy, dễ nhớ, một trong những cách tuyên truyền Ngày Pháp luật hữu hiện nhất là lắp đặt các pa-nô, treo áp-phích, băng-rôn trực quan. UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trường học và các trục đường chính của các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn treo băng-rôn, áp-phích về Ngày Pháp luật. Khẩu hiệu tuyên truyền phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, lĩnh vực được giao mà các cơ quan, đơn vị, địa phương có thể nghiên cứu, lựa chọn những khẩu hiệu phù hợp. Thường thấy là các khẩu hiệu: “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật là việc làm thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; “Tích cực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật”; “Tăng cường truyền thông chính sách pháp luật, góp phần tạo đồng thuận xã hội và đưa pháp luật vào cuộc sống”; “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động - trách nhiệm, sáng tạo, thực hiện hiệu quả công vụ”…
Sở Tư pháp tuyên truyền Ngày Pháp luật bằng phương pháp trực quan trên các tuyến đường phố trung tâm TP. Bạc Liêu. Ảnh: K.P
Lan tỏa đến mọi nơi
Để tinh thần Ngày Pháp luật được lan tỏa, các hoạt động hưởng ứng không chỉ riêng ngày 9/11, UBND tỉnh còn yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, tổ chức, quán triệt, phổ biến đầy đủ các nội dung theo Kết luận 80 ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư. Đồng thời chủ động lựa chọn chủ đề, nội dung, hình thức, cách làm phù hợp với điều kiện và đặc thù của địa phương, cơ quan, đơn vị, để việc tuyên truyền có hiệu ứng cao nhất.
Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật hoặc lồng ghép hưởng ứng thông qua hội nghị, hội thảo, tọa đàm; cuộc thi tìm hiểu pháp luật, đối thoại chính sách, tư vấn pháp luật trực tiếp; xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, đối thoại doanh nghiệp…; thông qua hoạt động chính trị, chuyên môn phù hợp với điều kiện thực tiễn; trong triển khai hoạt động xây dựng, thi hành, bảo vệ pháp luật. Hình thức triển khai phải đổi mới, đa dạng, linh hoạt, tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng và có sức lan tỏa trong xã hội, nhất là trên các mạng viễn thông, mạng xã hội, Internet...
Đặc biệt, chú ý tăng cường công khai thông tin theo quy định của pháp luật qua các vụ việc, tình huống, sự kiện pháp lý cụ thể gắn với quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể; các vấn đề còn nổi cộm trong đời sống thu hút sự quan tâm của dư luận, hoặc cần định hướng dư luận xã hội.
Bên cạnh đó, cần sớm tổng kết, đánh giá, ghi nhận tôn vinh tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân tuân thủ, chấp hành chính sách, pháp luật; xây dựng, phát hiện, nhân rộng mô hình hay, cách làm mới, hiệu quả phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Kim Phượng
- Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Khối thực hiện quy trình công tác cán bộ
- Thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam
- Tuyên dương 70 người cao tuổi tham gia xây dựng Đảng
- Bắt giữ tàu vận chuyển trái phép 700.000 lít dầu DO
- Hơn 100 cán bộ được tập huấn phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn