Nghiêm cấm can thiệp trong xử lý vi phạm hành chính: Công lý được thực thi công bằng
Kết quả việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, còn xảy ra những mặt hạn chế nhất định. Những hạn chế trên nếu không kịp thời khắc phục sẽ ảnh hưởng đến tính hiệu lực trong việc thực thi pháp luật, ngoài ra còn ảnh hưởng đến niềm tin của người dân với bộ máy thực thi công quyền.
Lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ (Công an tỉnh) kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính. Ảnh: H.T
CHẤM DỨT SỰ CAN THIỆP TRONG XỬ LÝ VI PHẠM
Dễ nhận thấy nhất chính là những can thiệp trong xử phạt trên lĩnh vực an toàn giao thông (ATGT), xây dựng cơ bản. Bằng nhiều cách khác nhau, mối quan hệ khác nhau, nhiều người khi bị xử phạt vi phạm ATGT luôn tìm cách để xin được bỏ qua vi phạm; hoặc xin được giải quyết nhẹ hơn. Nếu bị phạt bằng quyết định hành chính rồi thì xin được nộp phạt nhưng giải quyết cho lấy phương tiện vi phạm ra, lấy giấy phép lái xe trước hạn. Đối với vi phạm trong trật tự xây dựng thì xin bỏ qua cho hành vi vi phạm hoặc ra quyết định xử phạt nhưng sau đó người vi phạm vẫn tiếp tục được “ngó lơ” cho thi công. Và không ít những trường hợp can thiệp trong xử lý vi phạm hành chính lại xuất phát từ chính những người là cán bộ, công chức nhà nước, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận, tạo sự bất bình đẳng giữa những người cùng bị xử lý vi phạm hành chính trên thực tế.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, những hạn chế trong xử lý vi phạm có thể liệt kê như việc thực hiện chưa đầy đủ trình tự, thủ tục quy định; hồ sơ chưa đảm bảo tính chặt chẽ; chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền xử phạt không kịp thời; tổ chức thi hành quyết định xử phạt chưa nghiêm túc; nhiều trường hợp để lại hậu quả khó khắc phục, tình trạng buông lỏng quản lý còn xảy ra nên hiệu quả mang lại chưa cao.
Để khắc phục triệt để những trường hợp vi phạm này, cuối tháng 3/2023, Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều đã ký văn bản chỉ đạo nghiêm cấm các hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động xử phạt vi phạm hành chính của các đơn vị, cá nhân có thẩm quyền. Văn bản này tạo nên một luồng dư luận hết sức hài lòng trong Nhân dân, bởi người dân nhận thức rằng, cùng với quy định trên, công lý sẽ được thực thi công bằng trong mọi trường hợp vi phạm, không có ngoại lệ.
CÔNG BẰNG TRONG XỬ LÝ VI PHẠM
Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự ATGT quý 1/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trần Lưu Quang đề nghị các lực lượng chức năng, trong thực thi chức trách, nhiệm vụ của mình, phải xử lý rất nghiêm các vi phạm về ATGT và không chấp nhận sự can thiệp vào quá trình xử lý.
Tại Bạc Liêu, để thực hiện chủ trương trên, Chủ tịch UBND tỉnh nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ có hành vi sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản, hạn chế quyền của người vi phạm. Đồng thời, có hành vi dung túng, bao che, tác động, tiếp tay, không xử phạt vi phạm, can thiệp trái pháp luật hoạt động xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền. Yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tăng cường hơn nữa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền sâu rộng các văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành, địa phương đến cán bộ, công chức, chiến sĩ, viên chức và người dân.
Chính sự kiên quyết của chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương, đã thật sự làm chuyển biến từ nhận thức đến xử sự của cán bộ, công chức và những người có quyền can thiệp vào việc xử lý vi phạm hành chính. Rõ ràng nhất là những vi phạm về ATGT tại Bạc Liêu đã được xử lý nghiêm, không còn trường hợp can thiệp, nếu có can thiệp cũng không được giải quyết.
KIM KIM