Người giúp việc gia đình được pháp luật bảo vệ
Một tin vui đến với người lao động là người giúp việc nhà khi Chính phủ đã ban hành một số quy định cụ thể nhằm bảo vệ quyền lợi cho họ. Đáng chú ý nhất là mức lương quy định cho công việc giúp việc nhà, từ đây trở đi, không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố.
Nhu cầu tìm người giúp việc rất cao. Ảnh: K.K
Người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận về tiền lương, thưởng và thực hiện trả lương, thưởng theo quy định. Lao động là người giúp việc gia đình còn được nghỉ bình quân ít nhất 4 ngày/tháng. Vào ngày làm việc bình thường, ngoài thời giờ làm việc thỏa thuận trong hợp đồng lao động theo quy định, người sử dụng lao động phải bảo đảm, tạo điều kiện cho người lao động được nghỉ ít nhất 8 giờ, trong đó có 6 giờ liên tục trong 24 giờ.
Người sử dụng lao động còn phải trả cùng lúc với kỳ trả lương cho người lao động một khoản tiền bằng mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để người lao động chủ động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Trường hợp người lao động đồng thời giao kết nhiều hợp đồng lao động làm giúp việc gia đình thì trách nhiệm trả tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người sử dụng lao động được thực hiện theo từng hợp đồng lao động.
Ngoài ra, người giúp việc còn được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì các lý do như không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận. Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động; bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Nhưng nếu người giúp việc không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định, tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 5 ngày làm việc liên tục trở lên thì người sử dụng lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng với người giúp việc.
Khi người giúp việc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người sử dụng lao động phải thực hiện các trách nhiệm đối với người lao động. Theo đó, phải thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định. Trả đủ tiền lương khi người giúp việc phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động. Bồi thường cho họ hoặc trợ cấp tùy theo mức độ lỗi của mỗi bên trong trường hợp bị tai nạn lao động. Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe sau tai nạn nếu còn tiếp tục làm việc.
Như vậy, khi giao kết hợp đồng làm giúp việc gia đình, người lao động cần phải hiểu những quy định pháp luật mới để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình, tránh tình trạng bị lạm dụng, thậm chí là bóc lột sức lao động. Nếu có vướng mắc, phải nhanh chóng liên hệ đến các cơ quan có thẩm quyền để được hỗ trợ, bảo vệ kịp thời.
KIM KIM
- Đội kiểm tra liên ngành 178 tỉnh: Kiên quyết xử lý nghiêm cơ sở lợi dụng kinh doanh để hoạt động tệ nạn xã hội
- Hơn 1.500 học sinh tham gia chương trình “Đại sứ Shopee - Trường học hạnh phúc” năm học 2024 - 2025
- Triển khai nhiệm vụ công tác văn phòng cấp ủy năm 2025
- Huyện Đông Hải: Bàn giao nhà ở theo chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của Chính phủ tại xã Long Điền Tây
- TP. Bạc Liêu: Sẽ triển khai xây dựng 2 khu nhà ở xã hội trong năm 2025