Người lao động ở các khu trọ trong mùa dịch COVID-19: Không ai bị bỏ lại phía sau
Dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, người lao động nghèo ở các khu nhà trọ động viên nhau phải cố gắng hơn nữa để ngày trở lại với cuộc sống như trước đây sớm hơn, để mọi người có công ăn việc làm, vì thế ai cũng nâng cao ý thức chấp hành nghiêm các quy định phòng chống dịch. Nhất là khi Nhà nước, cộng đồng xã hội luôn chung tay san sẻ khó khăn với bà con, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Bà Nguyễn Thùy Như - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tặng quà cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh trong khu nhà trọ khóm 6 (Phường 5, TP. Bạc Liêu). Ảnh: H.T
KHI DỊCH COVID-19 ẢNH HƯỞNG CÁC KHU NHÀ TRỌ
Dịch bệnh khiến cuộc sống của người dân gặp khó khăn, nhưng có lẽ, những người lao động ở các khu nhà trọ lại càng khó khăn hơn. Đời sống ở trọ vốn đã bấp bênh, nay khi dịch bệnh ập tới thì cái khó trở thành gánh nặng. Bởi đối tượng sống trong các khu nhà trọ chủ yếu là người lao động tự do, làm công nhật như phụ hồ, chạy xe ôm, phụ quán ăn, bán vé số và những công nhân nghèo… Với họ, dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến cuộc sống các xóm trọ cũng đồng nghĩa với việc “quét” đi công việc, thu nhập, chỉ còn lại những khó khăn từ việc phải lo cái ăn hàng ngày, phải trả tiền nhà trọ và các chi phí sinh hoạt khác.
Khó khăn chất chồng, nhất là với các gia đình trẻ. Họ chưa đủ tích lũy để có thể mua nhà mua đất, cuộc sống làm công ăn lương chỉ tạm ổn trước khi có lệnh giãn cách xã hội. Nhưng từ khi chính quyền yêu cầu hạn chế tối đa việc di chuyển, nhiều cửa hàng, cơ sở dịch vụ không thiết yếu đóng cửa, họ phải ở nhà, trong khi hàng ngày vẫn phải ăn, phải trả chi phí cho các sinh hoạt thiết yếu. Nhiều lo lắng, nhiều băn khoăn nhưng không vì thế mà hoang mang. Bởi Nhà nước, chính quyền vẫn kịp thời lo lắng cho người dân. Những khoản tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 68 đã kịp thời đến với bà con, mà phần nhiều trong đó là người lao động có thu nhập thấp ở các khu nhà trọ.
CÙNG NHAU VƯỢT QUA ĐẠI DỊCH
Dù rất nhiều khó khăn, nhưng không ai bảo ai, người dân ở các xóm trọ đều chấp hành nghiêm quy định chung về giãn cách xã hội, hạn chế ra khỏi nhà…
Hơn 20 ngày chỉ quanh đi quẩn lại trong mười mấy mét vuông diện tích của phòng trọ, nhiều người cảm thấy hết sức tù túng, thậm chí có phần khó chịu. Nhiều gia đình nhỏ, trước đây nhà trọ chỉ là nơi để ngủ, còn thời gian chính là ở chỗ làm việc, thì nay phải cùng nhau chen chúc trong một không gian khá chật chội cũng là một thử thách. Thế nhưng, mọi người không ai bảo ai, đều dặn nhau phải cố gắng để vượt qua. Chị T.N, một gia đình trẻ ở khu nhà trọ trên địa bàn Phường 5 (TP. Bạc Liêu) cho biết, vợ chồng chị làm phục vụ quán ăn, dịch COVID-19 bùng phát, quán đã đóng cửa hơn một tháng nay. Từ ngày thực hiện giãn cách, cả khu trọ nơi chị thuê đều nghỉ dịch. Ai về quê được thì đã về. Còn những người ở lại tự tìm cho mình niềm vui nho nhỏ để có thể trụ lại. Vợ chồng chị nuôi thêm một con mèo để có cái bận rộn, bớt nhàm chán. Còn chị T.T.L.T, một phụ bếp cho quán karaoke ở Phường 2 lại có niềm vui khác. Để có thêm động lực, thêm niềm vui trong xóm trọ, chị còn nhận đi chợ giúp cho các nhà khác trong khu trọ để giảm bớt việc nhiều người phải ra đường. Rồi chuyện nấu nướng trong mấy ngày giãn cách, chị L.T cũng đảm trách bếp chính. Chị nói: “Xóm trọ này toàn những đứa đáng tuổi con, tuổi cháu. Bình thường tụi nó đi làm xong kéo nhau đi ăn tiệm, ăn hàng quán nên ít biết nấu nướng. Giờ giãn cách, để tránh tình trạng tụi nó trốn ra ngoài đi mua thức ăn, vừa bị phạt vừa không an toàn, tui nấu cho tụi nó ăn luôn”. Nhờ vậy mà trong thời gian giãn cách, xóm trọ nhà chị T. luôn đầy ắp tiếng cười, làm động lực để cùng vượt qua khó khăn.
Thấu hiểu những khó khăn của người lao động nghèo ở các xóm trọ, cũng đã có những chủ nhà trọ chủ động giảm tiền thuê nhà trọ, tặng quà (thường là các thực phẩm thiết yếu như gạo, mì gói) cho những hộ thuê nhà khó khăn. Bên cạnh đó, để giúp bà con nhanh chóng nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước, nhiều chủ nhà trọ đã nhiệt tình lập danh sách những người ở trọ bị ảnh hưởng, hỗ trợ họ làm thủ tục ở xã, phường.
Ngoài ra, nhiều mạnh thường quân, các hội, đoàn thể trong tỉnh cũng hướng đến đối tượng người lao động ở các khu trọ để hỗ trợ, tặng quà, nhu yếu phẩm. Đó là những nghĩa cử đẹp, những hành động có ý nghĩa để người lao động nghèo khó khăn ở những khu nhà trọ có thêm tinh thần, động lực vượt qua đại dịch.
KIM KIM
- Sở LĐ-TB&XH: Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và người lao động năm 2025
- Hồng Dân, Đông Hải triển khai nhiệm vụ đầu năm 2025
- Họp Tiểu ban Hậu cần, Lễ tân, An ninh trật tự phục vụ Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025
- Hơn 24,7 tỷ đồng hỗ trợ cho khuyến học, khuyến tài
- Tăng cường đấu tranh với các tệ nạn trá hình trong lễ hội tháng Giêng