Nhận diện khó khăn trong công tác tư pháp và cải cách tư pháp

Thứ Sáu, 08/04/2022 | 16:20

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp (CCTP) tỉnh, vấn đề mà Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm nhất liên quan đến các hoạt động tư pháp chính là kết quả thực hiện, giải quyết các vụ án. Làm sao để cơ quan tiến hành tố tụng quan tâm thực hiện các nhiệm vụ tư pháp ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, không xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tư pháp và CCTP cũng phải được nâng lên. Chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động tư pháp, công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp thêm chặt chẽ.

Bài 1: Vướng mắc trong tố tụng ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án

Công tác CCTP, trong đó lấy tòa án làm trung tâm đã và đang được xác định rõ. Muốn được như thế thì quá trình thụ lý vụ án từ khâu ban đầu cho đến khi thi hành án đều quan trọng và cần thiết. Thời gian qua, trong hoạt động tư pháp tại Bạc Liêu vẫn còn những hạn chế, vướng mắc ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án, chưa đáp ứng được yêu cầu và mong muốn của người dân, cần sớm được khắc phục.

Quang cảnh hội nghị Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh năm 2022.

CƠ QUAN BỊ KIỆN HÀNH CHÍNH KHÔNG CHỊU RA TÒA

Tại nhiều cuộc họp ở cấp Trung ương liên quan đến án hành chính, nguyên nhân khiến cho án hành chính bị trì trệ kéo dài chính là việc lãnh đạo các địa phương không tham gia các phiên tòa hành chính. Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Nhưng thực tế, trưởng, phó cơ quan, tổ chức bị kiện vắng mặt gần như trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ án. Thực trạng này cũng diễn ra tương tự tại Bạc Liêu.

Theo báo cáo, kể từ ngày 1/10/2020 - 30/9/2021, Tòa hành chính Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đã thụ lý 74 vụ khiếu kiện hành chính, giải quyết được 51 vụ, đạt tỷ lệ 68,9%. Tuy nhiên, xét về chất lượng xét xử án hành chính hiện nay vẫn chưa đảm bảo yêu cầu. Bởi trong 21 vụ xét xử thì có đến 15 vụ bị kháng cáo, kháng nghị lên cấp trên, chiếm tỷ lệ 71,4%. Trong đó, có 2 vụ bị hủy, 2 vụ bị sửa toàn bộ, chiếm tỷ lệ 26,6%. Hạn chế này một phần nguyên nhân là do năng lực của thẩm phán chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn. Ngoài ra, khó khăn nhất hiện nay của Tòa án trong giải quyết các vụ án hành chính chính là thái độ thiếu hợp tác của các cơ quan có thẩm quyền, thông thường là người bị kiện - một bên trong vụ án hành chính. Đây thường là những cá nhân có chức vụ, quyền hạn nên việc ra tòa tham gia các vụ kiện gần như họ không mặn mà.

Ông Đinh Quốc Khởi - Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu cho hay, rất khó triệu tập người bị kiện đến làm việc hoặc tham gia phiên tòa. “Vì nhiều lý do khách quan, chủ quan, người bị kiện thường hay vắng mặt, gây khó khăn cho việc giải quyết của Tòa án. Người bị kiện rất ít khi tham gia tố tụng, đồng thời cũng không ủy quyền cho cấp phó tham gia tố tụng, để nhận các văn bản tố tụng của Tòa án theo quy định. Bởi theo quy định, đương sự vắng mặt nhưng có đơn xin xét xử vắng mặt thì Tòa án xét xử vắng mặt họ. Khi Tòa án gửi thông báo thụ lý vụ án và yêu cầu người bị kiện cung cấp tài liệu, chứng cứ hay văn bản yêu cầu thì chậm có kết quả (thường là 2 - 3 tháng, cá biệt có những vụ lên đến 6 tháng), hoặc không có ý kiến phản hồi cho Tòa án. Tình trạng này dẫn đến nhiều vụ việc hành chính bị kéo dài thời hạn giải quyết, xét xử của Tòa án”,  ông Khởi cho biết thêm.

Cuối cùng, chịu thiệt thòi nhiều nhất chính là người khởi kiện và các đương sự khác trong vụ án hành chính vì họ không được thực hiện quyền tranh tụng công khai tại phiên tòa. Không những vậy, việc đối thoại thường xuyên không thực hiện được vì hầu hết người bị kiện (thường là lãnh đạo) vắng mặt hoặc có đơn xin vắng mặt (năm 2021 chỉ có 1 trường hợp người bị kiện tham gia đối thoại, đó là vụ T.K.P khởi kiện Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường). Chính việc vắng mặt của người bị kiện dẫn đến một số trường hợp làm cho người khởi kiện bức xúc, phản ứng gay gắt dẫn đến khiếu nại, tố cáo đối với cán bộ, công chức vì cho rằng có bao che, tiêu cực.

Một phiên tòa xét xử trên tinh thần CCTP. Ảnh: K.P

NHIỀU KHÓ KHĂN TRONG GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP

Hoạt động giám định tư pháp có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giải quyết các vụ án của các cơ quan tố tụng. Bằng việc sử dụng kiến thức chuyên môn, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ án hình sự, vụ việc dân sự, vụ án hành chính… theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, giúp cho các cơ quan tố tụng có cơ sở để giải quyết các vụ án, vụ việc kịp thời và đúng quy định pháp luật. Qua rà soát cho thấy công tác giám định tư pháp đã và đang là một trong những vướng mắc của hoạt động tố tụng.

Hiện tại, toàn tỉnh có 31 giám định viên tư pháp và 53 giám định viên theo vụ việc với 2 tổ chức giám định (giám định kỹ thuật hình sự và giám định pháp y) và các cơ quan thực hiện chức năng giám định. Trong năm 2021, các tổ chức giám định tư pháp đã tiếp nhận và thực hiện giám định 833 vụ việc (trong đó 478 vụ việc pháp y, 355 vụ việc kỹ thuật hình sự). Hoạt động giám định tư pháp đang là lĩnh vực còn nhiều khó khăn, tồn tại, nhất là liên quan đến giám định chất lượng công trình xây dựng, các vụ án về tài chính, giám định hồ sơ đền bù giải phóng mặt bằng… Trong khi theo quy định, nhiều vụ án phải có kết quả giám định tư pháp thì cơ quan điều tra mới có căn cứ để khởi tố điều tra. Rất nhiều lĩnh vực phải có giám định pháp y: tài chính, ngân hàng; giám định dấu vết, mẫu vật; giám định pháp y, pháp y tâm thần; giám định vũ khí, vật liệu nổ; giám định ma túy… đều vướng.

Một tồn tại nhiều năm nay chưa tháo gỡ được là thiếu giám định viên có nghiệp vụ cao, đặc biệt là ở các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đất đai, môi trường, xây dựng. Hầu hết giám định viên lại chỉ là kiêm nhiệm nên không thể dành hết thời gian cho công tác giám định. Công tác phối hợp cũng vậy, khi trưng cầu giám định trong trường hợp cần có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan, tổ chức giám định. Thực tiễn giải quyết các vụ án kinh tế, tham nhũng cho thấy, do quan hệ phối hợp giữa các cơ quan được giao giám định, còn hiện tượng đùn đẩy dẫn tới kéo dài thời gian giám định, ảnh hưởng lớn đến việc giải quyết vụ án.

KIM PHƯỢNG

Đánh giá về những tồn tại, vướng mắc trong công tác tư pháp, CCTP đã qua, Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh đã nhìn nhận ở một số nội dung quan trọng cần sớm có giải pháp khắc phục. Trong đó có đề cập đến công tác kiện toàn tổ chức, bộ máy, sắp xếp cán bộ có chức danh tư pháp để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay của các cơ quan tư pháp; đội ngũ cán bộ tư pháp còn thiếu. Số lượng, chất lượng đội ngũ giám định viên tư pháp, hòa giải viên còn hạn chế, tỷ lệ vụ việc có đơn yêu cầu hòa giải tại Tòa án còn thấp. Tình trạng án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của một số thẩm phán vẫn chiếm đa số, một số kháng nghị bản án chưa đạt chất lượng, chưa chặt chẽ; tình trạng trả án điều tra bổ sung vẫn còn xảy ra. Tiến độ và chất lượng công tác giám định tư pháp một số vụ việc còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là giám định về tài chính, kế toán. Cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, kinh phí phục vụ cho hoạt động của một số cơ quan tư pháp còn thiếu, lạc hậu, chưa bảo đảm. Việc áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan tư pháp còn hạn chế

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.