Nhận diện khó khăn trong công tác tư pháp và cải cách tư pháp
Bài cuối: Làm gì để nâng cao chất lượng công tác tư pháp và cải cách tư pháp?
>>Bài 1: Vướng mắc trong tố tụng ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án
Lớp tập huấn về giám định tư pháp do Sở Tư pháp phối hợp với Cục Bổ trợ tư pháp tổ chức (ảnh chụp khi dịch COVID-19 chưa bùng phát). Ảnh: K.P
Để nâng cao chất lượng công tác tư pháp và CCTP, đòi hỏi lớn nhất là những thay đổi từ chính tư duy đổi mới của cán bộ từ lãnh đạo quản lý tư pháp đến những người trực tiếp thực hiện. Song song đó, là sự quan tâm đầu tư từ cơ sở vật chất đến nguồn cán bộ chất lượng đáp ứng được với đòi hỏi đặt ra từ thực tiễn.
MỌI CÔNG DÂN ĐỀU BÌNH ĐẲNG TRƯỚC PHÁP LUẬT
Trở lại với câu chuyện liên quan đến vướng mắc trong xét xử án hành chính, ông Đinh Quốc Khởi - Chánh án TAND tỉnh cho rằng, cần có những cơ chế ràng buộc sát sao hơn. Tỉnh đã thấy vấn đề, đã ký kết quy chế phối hợp trong giải quyết án hành chính giữa Ban cán sự Đảng của UBND và Ban cán sự Đảng của TAND, tuy nhiên, việc thực hiện nghiêm quy chế là chưa. Bên cạnh đó, cần loại bỏ tư duy “dân kiện quan” như “con kiến kiện củ khoai” mà phải thực hiện nghiêm theo nguyên tắc “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”. Ngoài ra, cũng cần chú ý tăng cường hơn nữa các biện pháp, cơ chế theo quy định pháp luật, để cơ quan quản lý hành chính nhà nước cũng như cán bộ, công chức trong các cơ quan này nhận thức đầy đủ quyền hạn, nghĩa vụ của mình khi bị khiếu kiện và phải nghiêm chỉnh thực hiện quyền cũng như nghĩa vụ đó.
Đối với hoạt động giám định tư pháp, cơ quan tư pháp đã xác định rất rõ ràng, lĩnh vực giám định trong giải quyết án là cực kỳ quan trọng. Đặc biệt, trong trường hợp kết luận giám định chính là nguồn chứng cứ quan trọng chứng minh tội phạm hoặc là nguồn chứng cứ duy nhất mà không giám định được thì đến 99% vụ án bị ách tắc, trở thành rào cản cho các hoạt động tố tụng tiếp theo. Quan trọng là thế, tuy nhiên ông Vưu Nghị Bình - Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, lĩnh vực giám định tư pháp còn nhiều vướng mắc từ đội ngũ giám định viên hầu hết là bán chuyên trách. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, khả năng giải thích kết luận giám định… chưa thật sự đáp ứng yêu cầu CCTP. Một số lĩnh vực thiếu giám định giỏi, thiếu giám định viên chuyên môn. Công tác đào tạo, tập huấn trên lĩnh vực này tuy rất cần nhưng thời gian qua cũng rất hạn chế, do thiếu kinh phí thực hiện.
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CƠ QUAN TƯ PHÁP
Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp cũng chính là nâng cao chất lượng hoạt động của các ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án, thi hành án, các cơ quan bổ trợ tư pháp. Trong đó, ngành Công an cần sắp xếp, bố trí điều tra viên, cán bộ điều tra, giám định viên phù hợp với trình độ, năng lực công tác, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố, chỉ đạo giải quyết những vụ án nghiêm trọng, những vụ án dư luận quan tâm. Việc khởi tố, bắt, tạm giữ, tạm giam và điều tra, xử lý tội phạm đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm, bảo đảm yêu cầu nghiệp vụ và phục vụ tốt công tác đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm.
Ngành Kiểm sát cần chú trọng nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa; tăng cường chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Bảo đảm thực hiện đúng quy định pháp luật, không để xảy ra vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Tòa án phải đổi mới tổ chức các phiên tòa theo tinh thần CCTP, bảo đảm xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn và trách nhiệm của người tiến hành tố tụng, đảm bảo công khai, dân chủ, nghiêm minh, nhằm nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa. Cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng tổ chức nhiều cuộc họp liên ngành để trao đổi, thống nhất quan điểm, tìm giải pháp đối với những vụ án còn có quan điểm, nhận thức khác nhau về pháp luật. Các cơ quan thi hành án hình sự, dân sự trong quản lý phạm nhân, đẩy nhanh tiến độ, tổ chức thi hành các vụ việc có điều kiện thi hành.
Phiên tòa xét xử đối tượng trộm tại TAND TP. Bạc Liêu. Ảnh: K.P
XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ TƯ PHÁP “VỪA HỒNG VỪA CHUYÊN”
Thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW và các chương trình, kế hoạch của các cơ quan tư pháp Trung ương, các cơ quan tư pháp trong tỉnh xác định tiếp tục tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức có chức danh tư pháp (điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, chấp hành viên). Chủ động thực hiện việc bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ, nhất là các cơ quan tư pháp cấp huyện để đáp ứng yêu cầu tăng thẩm quyền mới. Ngành Công an tiếp tục tập trung củng cố, sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy, lực lượng cán bộ làm công tác tư pháp, sắp xếp các cơ quan điều tra hai cấp của Công an các đơn vị, địa phương đúng mô hình, bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp đúng ngành, nghề đào tạo. Tính đến thời điểm hiện tại, lực lượng làm công tác điều tra các cấp trong Công an tỉnh là 221 người (cấp tỉnh 77 người, cấp huyện 144 người). Viện kiểm sát có 112 kiểm sát viên, kiểm tra viên; Tòa án có 78 thẩm phán (trong đó, 1 thẩm phán cao cấp, 25 thẩm phán trung cấp và 52 thẩm phán sơ cấp); thi hành án dân sự có 43 chấp hành viên, 9 thẩm tra viên, 16 thư ký thi hành án.
Hướng tới, Ban Chỉ đạo CCTP yêu cầu các cơ quan tư pháp tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp, tổ chức bổ trợ tư pháp. Từng ngành Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Thi hành án tập trung phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được, xác định những biện pháp, giải pháp cụ thể, từng bước khắc phục, chấn chỉnh những khó khăn, hạn chế của ngành mình, cấp mình để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác điều tra, kiểm sát, xét xử, thi hành án đúng theo tinh thần CCTP; bảo đảm không xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, đúng quy định của pháp luật, đạt và vượt các chỉ tiêu Trung ương giao. Các cơ quan chức năng quan tâm thực hiện các chế định bổ trợ tư pháp và công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bổ trợ tư pháp theo thẩm quyền. Quan tâm đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ các cơ quan, tổ chức bổ trợ tư pháp đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; phát huy vai trò, trách nhiệm trong các hoạt động tư pháp. Tiếp tục phát triển các dịch vụ công theo hướng xã hội hóa để giảm tải áp lực đối với công tác hành chính tư pháp cho UBND cấp xã, cấp huyện. Quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các quy định của pháp luật, các quy chế phối hợp có liên quan đến công tác CCTP; nâng cao số lượng, chất lượng hòa giải ở cơ sở theo đúng quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.
KIM PHƯỢNG
- Hồng Dân, Đông Hải triển khai nhiệm vụ đầu năm 2025
- Họp Tiểu ban Hậu cần, Lễ tân, An ninh trật tự phục vụ Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025
- Hơn 24,7 tỷ đồng hỗ trợ cho khuyến học, khuyến tài
- Tăng cường đấu tranh với các tệ nạn trá hình trong lễ hội tháng Giêng
- Ngăn chặn tình trạng mê tín dị đoan đầu năm mới