Nhiều đóng góp để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai

Thứ Tư, 16/11/2022 | 17:00

Trong bối cảnh hội nhập nền kinh tế, Luật Đất đai hiện hành đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tế. Dự thảo Luật Đất đai đã qua nhiều lần lấy ý kiến, gần đây nhất là tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu đóng góp ý kiến dự thảo Luật Đất đai tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Ảnh: K.K

DỰ THẢO BỎ KHUNG GIÁ ĐẤT

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này đã bỏ khung giá đất và thực hiện định giá đất theo cơ chế thị trường. Việc bỏ khung giá đất đã tháo gỡ được những vướng mắc trước đây khó giải quyết trong thực tiễn liên quan đến định giá đất và bảng giá đất của các địa phương.

Tuy nhiên, định giá đất luôn là bài toán không hề đơn giản, việc hoàn thiện cơ chế xác định giá đất, làm thế nào để mức giá của Nhà nước phản ánh sát giá thị trường luôn là câu hỏi khó.

Ở nhiều quốc gia khác, mức độ sai lệch giá đất chỉ ở mức 5 - 7%, trong khi ở Việt Nam có sự khác biệt rất lớn giữa giá Nhà nước so với giá thị trường. Do đó, hầu hết các ý kiến đều yêu cầu phải có cơ chế làm sao để Nhà nước ban hành giá sát với giá thị trường?

Hiện tại có 8 nhóm chính sách theo Nghị quyết 18 đã được đưa ra lấy ý kiến thảo luận, như hoàn thiện chính sách dân tộc trong dự thảo luật; rà soát phạm vi và đối tượng điều chỉnh; quy định về quyền, trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, mối quan hệ, vị trí của quy hoạch sử dụng đất trong hệ thống quy hoạch quốc gia; giao đất, cho thuê đất; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện để đấu giá quyền sử dụng đất; điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài chính về đất đai, giá đất; nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất, bảng giá đất…

MỞ RỘNG ĐỐI TƯỢNG CHUYỂN NHƯỢNG ĐẤT TRỒNG LÚA

Đối với vấn đề mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, rất nhiều ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc. Làm sao vừa tạo điều kiện để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích cây trồng - vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch nhưng cũng đồng thời bảo đảm kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt là đất trồng lúa.

Việc cho phép các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa sẽ huy động được các tổ chức, cá nhân có tiềm lực đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, qua đó phát huy tối đa được hiệu quả sử dụng đất trồng lúa. Tuy nhiên, đây là nội dung rất quan trọng, nhạy cảm, có tác động trực tiếp đến một bộ phận khá lớn người dân đang sản xuất nông nghiệp ở nước ta. Cần phải có đánh giá kỹ các tác động của quy định này đối với đời sống và sản xuất của người dân, đồng thời đánh giá tác động tới vấn đề đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Chính phủ cần nghiên cứu, có quy định cụ thể, rõ ràng hơn về đối tượng, điều kiện, quy trình, thủ tục, các chính sách ưu tiên, cơ chế kiểm tra, giám sát để tránh tình trạng lợi dụng chính sách thu gom đất lúa để đầu cơ trục lợi, sử dụng đất lúa không đúng mục đích, gây bức xúc, khiếu kiện trong Nhân dân. Đây cũng là một trong những vấn đề hiện tại được Nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm.

KIM KIM

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.