Nhiều giải pháp dành cho đối tượng nghiện ma túy
Theo ông Nguyễn Vũ Phong - Trưởng phòng Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH), đa dạng hình thức tuyên truyền phòng, chống ma túy (MT) là giải pháp cần ưu tiên hàng đầu hiện nay. Mục tiêu nhằm nâng cao ý thức, kiến thức, kỹ năng cho người dân, nhất là trang bị kiến thức về tác hại của MT cho lớp trẻ và kỹ năng phòng tránh.
GIẢI PHÁP VỀ CHÍNH SÁCH
Song song với đổi mới, nâng cao hiệu quả cai nghiện ma túy (CNMT) tại Cơ sở CNMT tỉnh và tại gia đình, cộng đồng, tỉnh cần chú trọng phát huy hiệu quả công tác quản lý sau cai nghiện với sự tham gia của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ, giúp đỡ và tạo niềm tin cho người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng.
Cùng với đó là nâng cao chất lượng công tác tiếp nhận, phân loại học viên theo mức độ nghiện, loại MT sử dụng, độ tuổi, số lần cai nghiện… Từ đó đưa ra giải pháp CNMT phù hợp, mang lại hiệu quả cao nhất đối với từng học viên.
Nhà nước cần có chính sách thu hút, đãi ngộ, khuyến khích đội ngũ cán bộ làm công tác CNMT và quản lý sau cai thông qua chế độ tiền lương, phụ cấp đặc thù và các ưu đãi khác. Đặc biệt, cần lựa chọn cán bộ có năng lực, tâm huyết với nghề đưa đi đào tạo chuyên môn về tâm lý học, bác sĩ chuyên khoa tâm thần phục vụ CNMT.
Học viên học nghề dệt chiếu tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh. Ảnh: T.Đ
VỀ DẠY NGHỀ
Nâng cao chất lượng dạy nghề, đảm bảo nghề được đào tạo tại Cơ sở CNMT tỉnh đáp ứng được nhu cầu xã hội, đặc biệt là người sau cai có thể tìm được việc làm, sinh sống bằng chính nghề đã học khi trở về nơi cư trú.
Đa dạng hóa các ngành nghề được dạy tại Cơ sở CNMT tỉnh, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của học viên và phù hợp với thực tế. Cơ sở CNMT tỉnh cần lựa chọn những ngành nghề thông dụng, dễ xin việc làm để dạy. Đồng thời, liên kết với các công ty, doanh nghiệp để tìm nguồn tiêu thụ, vừa giúp học viên thao tác thành thạo các nghề được học, vừa lao động trị liệu.
Phân loại học viên về độ tuổi, trình độ văn hóa, thời gian điều trị… để mở lớp nghề phù hợp, từ đó nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo tại Cơ sở CNMT tỉnh.
VỀ CƠ SỞ VẬT CHẤT
Tại Cơ sở CNMT tỉnh: Trước hết cần đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo nghề (máy hàn, tiện…). Nâng cấp phòng điều trị cắt cơn, giải độc, trong đó cần bố trí thêm một phòng xông hơi, một phòng dành riêng điều trị vật lý trị liệu và các thiết bị phục vụ châm cứu… Xây dựng khu vui chơi - giải trí dành riêng cho học viên như: sân bóng chuyền, sân bóng đá… Đầu tư đầy đủ trang thiết bị y tế đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho học viên.
Tại gia đình, cộng đồng: Đầu tư cơ sở vật chất (điểm cắt cơn, trang thiết bị, phương tiện…) đảm bảo cho công tác CNMT tại gia đình, cộng đồng theo đúng quy định. Bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở đáp ứng yêu cầu công tác CNMT. Cùng với đó cũng cần có chính sách thu hút, đãi ngộ cán bộ làm công tác này tại gia đình, cộng đồng.
T.Đ (tổng hợp)
- Sở LĐ-TB&XH: Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và người lao động năm 2025
- Hồng Dân, Đông Hải triển khai nhiệm vụ đầu năm 2025
- Họp Tiểu ban Hậu cần, Lễ tân, An ninh trật tự phục vụ Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025
- Hơn 24,7 tỷ đồng hỗ trợ cho khuyến học, khuyến tài
- Tăng cường đấu tranh với các tệ nạn trá hình trong lễ hội tháng Giêng