Nhiều khó khăn trong đấu tranh phòng chống tham nhũng
Năm 2017, cùng với những thành tựu chung của tỉnh, công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) được chỉ đạo thực hiện quyết liệt và có những chuyển biến tích cực. Các cấp, các ngành đã quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc triển khai, quán triệt cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng và pháp luật của Nhà nước về PCTN, các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí được triển khai thực hiện đồng bộ, ngày càng đi vào nền nếp, góp phần củng cố niềm tin và tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cán bộ, đảng viên, được nhân dân hoan nghênh, ủng hộ, đồng tình cao.
Họp Ban chỉ đạo thực hiện Kế hoạch 39 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ảnh: K.P
Để có được kết quả đó là sự nỗ lực không ngừng của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự chỉ đạo sâu sắc của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự chung tay góp sức của các đoàn thể, Mặt trận trong quá trình giám sát. Tuy nhiên, đấu tranh với tội phạm tham nhũng rất khó khăn, bởi những hành vi này luôn được che giấu một cách khôn ngoan và tinh vi. Do đó, công tác đấu tranh PCTN đòi hỏi sự kiên trì, nghiêm minh và đặc biệt là ở khâu phòng ngừa.
Theo nhận xét chung qua các đợt kiểm tra công tác đấu tranh PCTN, vẫn còn một số địa phương ít thực hiện việc tự kiểm tra công tác tham nhũng, lãng phí, thậm chí né tránh trách nhiệm. Hầu hết các vụ việc phát hiện tham nhũng chủ yếu thông qua đơn thư tố cáo, hoặc qua báo chí phản ánh, hay đến khi thanh tra, kiểm tra mới phát hiện sai phạm. Việc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm công vụ còn hạn chế. Đó là còn chưa nói đến việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong PCTN chưa chặt chẽ, đồng bộ. Việc điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn kéo dài, nhiều vụ án bị trả hồ sơ để điều tra lại nhiều lần. Tình trạng nhũng nhiễu, vô cảm, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp vẫn còn diễn ra ở một số nơi và một số ít cán bộ, công chức, viên chức. Trong khi đó, việc kiểm tra xử lý các kiểu “tham nhũng vặt” gây phiền hà cho doanh nghiệp, người dân trong giải quyết các công việc vẫn chưa thấu đáo. Trong cuộc họp gần đây nhất của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác đấu tranh PCTN, lãng phí, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu tất cả các cấp, các ngành, nhất là ở các địa phương, cơ sở, phải kiên quyết đấu tranh loại bỏ những cán bộ hư hỏng tham nhũng ra khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước, trước hết là trong các cơ quan PCTN. Những vụ việc chưa đến mức xử lý hình sự thì phải xử lý nghiêm theo quy định. Đồng thời phải thu hồi triệt để tiền, tài sản của Nhà nước bị thất thoát do các hành vi trên gây ra và kiên quyết điều chuyển, sắp xếp lại vị trí công tác đối với những cán bộ, công chức có sai phạm.
Mặc dù đã xác định rõ những lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng như quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, bồi thường giải tỏa, thu chi ngân sách, giải quyết thủ tục đầu tư, xây dựng cơ bản, thủ tục hành chính…, thế nhưng việc giám định để xác định có sai phạm hay không vẫn còn hết sức khó khăn, nhất là trong công tác phối hợp, vấn đề kinh phí. Thiết nghĩ, để giải quyết khó khăn này, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức và nhân dân về PCTN, lãng phí; tăng cường chỉ đạo xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi xảy ra tham nhũng; quan tâm chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ và quan hệ xã hội.
Kim Phượng
- Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - Nguyễn Đình Khang trao tặng 20 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo tỉnh Bạc Liêu
- Vĩnh Lợi và Hòa Bình: Thành lập 4 phòng chuyên môn thuộc UBND huyện
- Tập huấn “Xác thực hàng hóa quốc gia tích hợp truy xuất nguồn gốc sản phẩm”
- Chấm ảnh, xét giải Cuộc thi Ảnh thời sự - nghệ thuật về nghề làm muối
- TP. Bạc Liêu: Sẽ xây dựng vùng trồng rau an toàn ở 2 xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông