Những chính sách có hiệu lực từ tháng 2/2022
Tháng 2/2022 trở lại với những công việc thường nhật sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán khá dài, người dân bắt đầu quan tâm đến những quy định pháp luật mới đã và sắp có hiệu lực thi hành ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, kinh tế. Nổi bật là những quy định về xuất xứ hàng hóa, miễn giảm tiền sử dụng đất cho người có công, về phòng chống tham nhũng…
Sản phẩm gạo Một bụi đỏ Hồng Dân có xuất xứ hàng hóa ghi trên bao bì rõ ràng. Ảnh minh họa: K.K
Quy định về vị trí việc làm khi có thông tin tham nhũng
Nghị định 134/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/2/2022 có quy định, người bị nghi ngờ có hành vi tham nhũng chỉ được trở lại vị trí công tác sau khi có kết luận không tham nhũng. Cụ thể, người bị tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác được trở lại vị trí công tác ban đầu sau khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng; được xin lỗi, cải chính công khai và được bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật trong việc ra quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác theo quy định của pháp luật. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận người có chức vụ, quyền hạn không có hành vi tham nhũng thì người đã ra quyết định phải hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với người có chức vụ, quyền hạn.
Xuất xứ hàng hóa phải ghi rõ ràng
Có hiệu lực từ ngày 15/2/2022, Nghị định 111/2021/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa. Theo đó, tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Xuất xứ hàng hóa ghi trên nhãn thể hiện bằng một trong các cụm từ sau “sản xuất tại”; “chế tạo tại”; “nước sản xuất”; “xuất xứ”; “sản xuất bởi”; “sản phẩm của” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc ghi theo quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa. Tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa không được viết tắt.
Miễn giảm tiền sử dụng đất cho người có công
Hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó quy định miễn giảm tiền sử dụng đất cho người có công.
Theo đó, Chính phủ miễn, giảm tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước đối với nhiều đối tượng. Miễn tiền sử dụng đất khi mua nhà ở (loại nhà nhiều tầng nhiều hộ ở) đang thuê thuộc sở hữu của Nhà nước theo Nghị định số 61/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ đối với người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
Khám sức khỏe cho sinh viên ít nhất một lần/năm học
Thông tư 33 của Bộ GD-ĐT quy định về công tác y tế trường học trong cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ ngày 15/2/2022. Trong đó quy định tổ chức khám sức khỏe cho người học khi mới nhập học và định kỳ ít nhất một năm một lần trong mỗi năm học. Thực hiện theo dõi, kiểm tra sức khỏe người học, phát hiện các yếu tố nguy cơ sức khỏe, bệnh tật để dự phòng, điều trị hoặc chuyển tuyến điều trị theo quy định của pháp luật.
Giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng
Có hiệu lực từ ngày 5/2/2022, Thông tư 17 của Bộ Xây dựng quy định một số nội dung về hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng thay thế Thông tư 04/2014/TT-BXD. Thông tư 17 nêu rõ 3 nội dung giám định tư pháp xây dựng, bao gồm giám định tư pháp về sự tuân thủ các quy định của pháp luật quy hoạch xây dựng, hoạt động đầu tư xây dựng, nhà ở và kinh doanh bất động sản; Giám định tư pháp về chất lượng xây dựng; Giám định tư pháp về chi phí xây dựng công trình.
Xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn sau thu hồi
Bộ NN&PTNT quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ có hiệu lực từ ngày 2/2/2022. Có 4 hình thức xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn sau thu hồi gồm khắc phục lỗi của sản phẩm, lỗi ghi nhãn; Chuyển mục đích sử dụng; Tái xuất; Tiêu hủy.
KIM KIM
- Hồng Dân, Đông Hải triển khai nhiệm vụ đầu năm 2025
- Họp Tiểu ban Hậu cần, Lễ tân, An ninh trật tự phục vụ Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025
- Hơn 24,7 tỷ đồng hỗ trợ cho khuyến học, khuyến tài
- Tăng cường đấu tranh với các tệ nạn trá hình trong lễ hội tháng Giêng
- Ngăn chặn tình trạng mê tín dị đoan đầu năm mới