Những người “mất” Tết
Đối với những người phạm tội, bị can, bị cáo, một khi đã vướng vòng lao lý thì Tết trở thành một điều hết sức xa xỉ. Nhiều người, kể cả những bị cáo, hay phạm nhân đã từng nhiều lần “vào tù ra khám”, nhưng tâm trạng mỗi khi gần kề những ngày cuối năm đều không khỏi chạnh lòng với ước mơ được trở về ăn Tết với gia đình.
Phiên tòa xét xử các bị cáo chém người vì nhìn đểu tại Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: K.K
Tôi đã từng gặp gỡ không ít phạm nhân đang chấp hành án trong Trại tạm giam của tỉnh, cũng từng hỏi họ rằng, thời điểm nào khiến họ nhớ nhà và mong muốn được sớm đoàn tụ với gia đình nhiều nhất. Câu trả lời luôn là thời điểm những ngày giáp Tết. Đó cũng chính là động lực giúp cho nhiều phạm nhân cố gắng cải tạo, lao động chăm chỉ để được giảm án, đặc xá vào dịp cuối năm. Những người có tên trong danh sách được đặc xá, tha tù thời điểm trước tết Nguyên đán còn cho tôi biết, cả tháng trước ngày được về họ đã không thể ngủ vì mừng, vì mong ngóng. Tôi càng không thể quên những ánh mắt tiếc nuối, khát khao của những phạm nhân phải tiếp tục chấp hành án, không được về nhà ăn Tết ở những buổi lễ đặc xá. Cũng như bài hát “Xuân này con không về” là bài hát mà các phạm nhân ở các trại giam thường hay ngân nga hát nhiều nhất vào thời điểm cuối năm, như một nỗi buồn, day dứt và cả hối hận.
Tương tự, các phiên tòa của những ngày cuối năm luôn khiến người ta có cảm giác như buồn hơn. Các bị cáo đều biết rằng, khi bản án có hiệu lực, với các mức hình phạt tù giam thì đồng nghĩa với việc mất đi tự do trong một thời gian, nhiều bị cáo còn phải chấp hành hình phạt trước Tết.
Do đó, để có thể được ăn cái Tết nữa với gia đình, nhiều bị cáo tìm cách kháng cáo bản án để kéo dài thời gian cho đến khi qua Tết. Điều này không trái luật, vì quyền kháng cáo là quyền của bị cáo. Như trường hợp của một bị cáo phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà tôi biết, người nhà của bị cáo thật thà chia sẻ, bản án của tòa cấp sơ thẩm cũng không tuyên nặng, nhưng vì để con có thể ở nhà ăn thêm một cái Tết, họ quyết định kháng cáo để kéo dài thời gian qua Tết. Câu chuyện vừa thấy thương lại vừa thấy giận, thương là thương gia đình các bị cáo, thương những người cha, người mẹ có con cái lỡ lầm nhưng cũng không thể bỏ con. Còn giận là giận những bị cáo đã hành động hết sức nông nỗi, suy nghĩ rất đơn giản mà không quan tâm đến hệ lụy về sau. Có nhiều bị cáo phạm tội Cố ý gây thương tích chỉ vì nghe theo lời rủ rê của bạn bè, kéo băng nhóm đi đánh, chém người không hề có mâu thuẫn với mình; phạm tội tàng trữ trái phép chất ma túy vì đi mua ma túy về nhà cất giữ để dành sử dụng hay phạm tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm với suy nghĩ ban đầu là mượn tạm để sử dụng, sẽ trả lại mà không ai hay biết… Tại phiên tòa xét xử các bị cáo phạm tội cố ý gây thương tích ở Tòa án nhân dân TP. Bạc Liêu, nhiều bị cáo là thanh thiếu niên, dù xăm trổ đầy người nhưng vẫn không cầm được nước mắt khi Hội đồng xét xử truy hỏi về những suy nghĩ của các bị cáo khi phạm lỗi lầm đã khiến gia đình, người thân khổ sở như thế nào; bản thân phải gánh chịu hậu quả ra sao.
Ít ai nghĩ đến những hậu quả lâu dài, nếu vụ việc phạm pháp của mình bị điều tra, xử lý theo quy định pháp luật. Chỉ đến khi bản thân phải chịu sự trừng phạt thì bao nhiêu hối hận cũng không bù đắp được.
KIM KIM