Những nội dung mới của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023
Ngày 20/6/2023, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD). Luật gồm 7 chương, 80 điều, quy định về quyền, nghĩa vụ của NTD; nguyên tắc và chính sách về bảo vệ quyền lợi NTD; bảo vệ quyền lợi NTD dễ bị tổn thương, trong giao dịch với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh… Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
Tạo căn cứ pháp lý để triển khai các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào thực tiễn cuộc sống. Ảnh minh họa: T.L
QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NTD
Nhằm nâng cao vai trò, vị trí của NTD trong xu hướng tiêu dùng mới, đồng thời bảo đảm cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ của NTD, Luật bổ sung một số quyền mới của NTD như quyền được tạo điều kiện lựa chọn môi trường tiêu dùng lành mạnh và bền vững; quyền yêu cầu tổ chức hoặc hỗ trợ thương lượng để giải quyết tranh chấp phát sinh, đồng thời bổ sung một số nghĩa vụ như tuân thủ quy định về kiểm định, bảo vệ môi trường, tiêu dùng bền vững theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm về việc cung cấp không chính xác hoặc không đầy đủ về thông tin liên quan đến giao dịch giữa NTD và tổ chức, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật. Luật còn bổ sung quy định về sản xuất và tiêu dùng bền vững, như khái niệm về tiêu dùng bền vững, quy định các hoạt động thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững và quy định về trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Một quy định mới, cấp tiến của luật chính là quy định bảo vệ quyền lợi NTD dễ bị tổn thương. Điều đó đã thể hiện rõ nét chủ trương, chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước trong việc bảo vệ toàn diện quyền lợi chính đáng của người dân. Luật xác định 7 nhóm NTD dễ bị tổn thương và quy định một số trách nhiệm cụ thể của tổ chức, cá nhân kinh doanh, trong đó nổi bật là trách nhiệm áp dụng cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp theo quy định của pháp luật phù hợp với từng đối tượng NTD dễ bị tổn thương.
TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KINH DOANH ĐỐI VỚI NTD
Luật bổ sung quy định về trách nhiệm bảo đảm an toàn, đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bán, cung cấp cho NTD; quy định cụ thể trách nhiệm bảo vệ thông tin của NTD; làm rõ thời hạn tính lại bảo hành trong trường hợp đổi mới sản phẩm, hàng hóa; bổ sung quy định về trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của NTD; và trách nhiệm trong việc cung cấp dịch vụ không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết. Luật cũng bổ sung một số hành vi bị cấm, trong đó, bao gồm hành vi bị cấm chung, hành vi bị cấm đối với tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp; tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số.
Đối với quy định một số giao dịch đặc thù, luật bổ sung một số quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong các giao dịch đặc thù. Trong đó, quy định rõ các thông tin cần cung cấp trong giao dịch từ xa; trách nhiệm đặc thù của tổ chức, cá nhân kinh doanh với NTD trong giao dịch trên không gian mạng. Bổ sung quy định về bán hàng đa cấp, bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên, đồng thời, quy định thêm trách nhiệm đặc thù của các tổ chức, cá nhân kinh doanh với NTD.
KIM KIM
- Huyện Phước Long: Phấn đấu xóa dứt điểm nhà tạm, nhà dột nát trong quý 1/2025
- Trên 9.000 trẻ mầm non, học sinh các cấp chưa đi học sau Tết
- Tầm viễn kiến chính trị, quyết sách sáng tạo và cương lĩnh hành động chiến lược đối với lực lượng Công an Nhân dân, trước thềm Kỷ nguyên mới
- Ra quân triển khai nhiệm vụ đầu năm 2025
- Các đồng chí nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng