Những quả lừa từ hụi
Chơi hụi - bị giật hụi gần như là một điệp khúc quen thuộc. Thậm chí với không ít người, chơi hụi cũng giống như việc tự nguyện bị giật tiền bất cứ lúc nào. Hiểu rõ như vậy, nhưng không lâu lại dậy lên những vụ giật hụi tiền tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng.
Các hụi viên trong vụ vỡ hụi tại xã Long Thạnh (huyện Vĩnh Lợi). Ảnh: K.P
CÁC VỤ VỠ HỤI LIÊN TỤC
Trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Công an tỉnh đã liên tục khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam nhiều đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến các vụ vỡ hụi. Điển hình trong hai tháng 1 và 2/2023, đã bắt tạm giam các đối tượng như Trần Thị Bé Hai (ngụ xã An Trạch, huyện Đông Hải); Huỳnh Ngọc Trầm (ngụ xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau); Thị Phệl (ngụ xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Các đối tượng đều làm chủ nhiều dây hụi ở các địa bàn dân cư, kêu gọi người dân tham gia chơi hụi. Lợi dụng việc làm chủ hụi, các đối tượng lấy tên khống tham gia hốt hụi, mạo danh hụi viên hốt hụi, bán hụi khống cho hụi viên, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng. Đến khi mất khả năng chi trả thì tuyên bố vỡ hụi, tránh mặt hoặc bỏ đi khỏi địa phương một thời gian.
Hầu hết các đối tượng chủ hụi bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam đều có hành vi chiếm đoạt tài sản, thủ đoạn lừa đảo giống nhau.
VÌ SAO DỄ BỊ LỪA?
Có một điều rất lạ là dẫu ai cũng biết chơi hụi dễ bị giật, dễ bị lừa nhưng vẫn tình nguyện tham gia. Vậy nguyên nhân do đâu?
Trước khi 2 chị em Ong Thị Bích Ngọc (xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi) bị cơ quan điều tra bắt tạm giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản vào tháng 11/2022, chúng tôi đã từng gặp gỡ nhiều người là hụi viên của 2 chị em Ngọc. Ở những lần gặp gỡ đó, các hụi viên, có những người là lao động giản đơn, là nông dân chân lấm tay bùn, là những người mua gánh bán bưng…, đồng tiền kiếm được là đồng tiền mồ hôi nước mắt lại trở thành những nạn nhân bị lừa đảo. Làm ra bao nhiêu tiền, các nạn nhân đều để dành đóng hụi, cho đến khi mất trắng vì bị chủ hụi giật.
Nhiều người bị giật đến vài trăm triệu đồng, với lý do hụi chỉ nuôi chớ không hốt. Khi được hỏi vì sao lại tham gia nhiều dây hụi mà không hốt, cũng không biết ai hốt, không tham gia vào việc đi bốc thăm hụi, hầu hết các nạn nhân đều trả lời do tin tưởng chủ hụi. Hơn nữa, đánh trúng vào tâm lý ham lãi cao, các chủ hụi một khi có ý định lừa đảo, sẽ để các dây hụi khống, tham gia hốt hụi với giá cao, khiến những người chơi hụi không hốt được hoặc vì ham lời mà không hốt.
Mới đây, để hạn chế việc không công khai danh sách người chơi hụi, mập mờ trong các quy định về chơi hụi, nhiều địa phương đã thành lập các nhóm quản lý hụi qua Zalo. Hình thức này tuy mới được triển khai từ cuối năm 2022 đến nay, nhưng nếu tuân thủ đúng thì hiệu quả rất cao. Hiệu quả dễ thấy nhất chính là việc các hụi viên sẽ dễ dàng biết được tất cả các thành viên tham gia chơi hụi, hạn chế tình trạng chủ hụi đưa các dây hụi khống vào. Bên cạnh đó, ai tham gia hốt hụi đều được công khai.
Tuy nhiên, số lượng các nhóm Zalo hụi không nhiều, rất nhiều các chủ hụi không muốn thực hiện theo các hình thức công khai. Và quan trọng hơn, chính những người chơi hụi cũng không tự mình bảo vệ mình, thống nhất với nhau, để thỏa thuận việc quản lý các dây hụi của mình. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc, các chủ hụi quá dễ dàng nếu muốn huy động vốn, thậm chí là chiếm đoạt tài sản.
KIM TUẤN