Những quy định luật “nửa vời”, thiếu thực tiễn
Nói tới pháp luật, người ít hiểu biết nhất cũng hiểu rằng, đó là những quy định phải chấp hành. Bởi pháp luật được hiểu một cách đơn giản nhất, là những quy tắc xử sự mang tính bắt buộc được Nhà nước quy định, ban hành để điều chỉnh các quan hệ trong xã hội. Nhưng không phải quy định pháp luật nào khi ban hành cũng dễ dàng áp dụng, nhất là với những quy định pháp luật thiếu tính thực tiễn.
Tình trạng tiểu bậy nơi góc tường vẫn thường xảy ra ở các đô thị nhưng chưa có trường hợp nào bị phạt. Ảnh: T.L
Thời gian qua, chúng ta đã ghi nhận không ít trường hợp luật, các nghị định chưa ban hành đã vấp phải sự phản ứng gay gắt từ phía dư luận. Đơn cử như những quy định về giấy phép lái xe, đèn xe trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ. Hay mới đây nhất là phản ứng ngược chiều nhau của người dân liên quan đến quy định tại Thông tư 04 của Bộ Tư pháp về giấy xác nhận tình trạng độc thân.
Thông tư 04 (có hiệu lực từ ngày 16/7/2020) quy định giấy xác nhận tình trạng hôn nhân dùng vào mục đích đăng ký kết hôn sẽ phải ghi đầy đủ thông tin về tên tuổi, địa chỉ người dự định kết hôn. Nhiều ý kiến không đồng ý, cho rằng quy định này gây khó khăn cho người dân. Bởi vì, một quan hệ hôn nhân chỉ chính thức được pháp luật thừa nhận bằng giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, trong khi xác nhận độc thân chỉ là thủ tục chứng minh người đó ở thời điểm hiện tại không có quan hệ hôn nhân với người nào khác. Càng rắc rối hơn nếu sau đó, hai bên không tiến tới đăng ký kết hôn lại vướng vì đã có tên người này trên giấy. Rồi giải quyết như thế nào nếu việc ghi tên người khác chỉ là hành vi đơn phương, có ảnh hưởng đến quyền nhân thân của người được ghi tên vào hay không?
Hay như một quy định được cho là khá mới mẻ, liên quan đến chuyển đổi giới tính. Tại Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.
Vướng ở đây khi luật không quy định, nếu chưa phẫu thuật chuyển giới thì có thể thay đổi giới tính trên giấy tờ hay không. Theo quy định mới, việc đăng ký thay đổi giấy tờ hộ tịch chỉ áp dụng với người “đã chuyển đổi giới tính”. Tuy nhiên chưa có định nghĩa “đã chuyển đổi giới tính” có phải là “đã phẫu thuật chuyển giới” hay chỉ cần các biện pháp y tế, tâm lý khác cũng đã có thể coi là “đã chuyển đổi giới tính”.
Hoặc quy định về thử việc trong Bộ luật Lao động hiện hành. Luật quy định khi thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) với người lao động (NLĐ). Nhưng luật lại không quy định, hậu quả pháp lý của việc khi hết thời gian thử việc, NLĐ vẫn làm việc bình thường mà NSDLĐ không ký HĐLĐ thì mối quan hệ lao động giữa hai bên được xác lập hay không? Nếu được xác lập thì tương ứng với loại HĐLĐ nào?
Thực tế, rất nhiều trường hợp rơi vào tranh chấp này, và các cơ quan giải quyết luôn gặp lúng túng không biết phải áp dụng pháp luật như thế nào. Điều này dẫn đến tình trạng, mỗi nơi giải quyết mỗi khác.
Đó là còn chưa nói đến những quy định pháp luật rất được người dân đồng tình ủng hộ nhưng lại không thể thực thi được trong thực tiễn. Điển hình như quy định về xử phạt lên tới 7 triệu đồng đối với hành vi xả rác, tiểu bậy, vứt bỏ tàn thuốc lá… không đúng nơi quy định theo Nghị định 155/2016, ban hành ra và chỉ để đó. Hay quy định phạt tiền chủ nuôi từ 600.000 - 800.000 đồng theo Nghị định 90/2017 đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó, không có xích giữ chó hoặc không có người dắt khi đưa chó đến nơi công cộng… cũng trong tình trạng tương tự. Hoặc quy định về xử phạt người đi xe máy đội mũ bảo hiểm không bảo đảm chất lượng. Quy định này bất khả thi bởi ngay cả lực lượng chức năng cũng không thể xác định tem nhãn mác giả hay thật bằng mắt thường…
Để luật không… nửa vời, thiết nghĩ, bên cạnh việc nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, cần đẩy mạnh các công cụ để người dân, các đối tượng áp dụng dễ dàng góp ý xây dựng điều chỉnh luật hoặc góp ý, phản ánh các bất cập đến đơn vị soạn thảo, tránh tình trạng ban hành ra gây khó trong áp dụng.
KIM KIM